Không thể chậm trễ

- Thứ Hai, 22/06/2020, 08:38 - Chia sẻ
Bản chất vấn đề thịt lợn hiện nay là câu chuyện cung - cầu và giải pháp tối ưu, bền vững, cơ bản nhất để bảo đảm đủ nguồn cung thịt lợn hiện nay là phải tái đàn. Vậy nhưng, theo nhiều chuyên gia, tại một số tỉnh, mặc dù 99,4% số xã đã qua 30 ngày hết dịch nhưng tỉnh vẫn chưa công bố. Hiện mới có 43 tỉnh, thành phố công bố hết dịch, vẫn còn 19 tỉnh chưa công bố hết dịch nên người dân nhiều nơi vẫn chưa thể yên tâm tái đàn, khôi phục sản xuất. Vì sao lại có sự chậm trễ này?

Giải pháp căn cơ giảm giá lợn chính là việc tái đàn, ai cũng hiểu điều này nhưng mấu chốt vấn đề giá lợn giống quá cao. Hiện giá lợn giống trên dưới 3 triệu đồng/con, các loại chi phí đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi cũng tăng mạnh. Nuôi đã khó, chi phí ban đầu cao, nhiều tỉnh lại còn quy định, người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương và của cơ quan tài nguyên - môi trường đối với các trường hợp phải đăng ký với cơ quan tài nguyên - môi trường theo quy định. Đến nay, cũng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi như cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thú y, con giống để khuyến khích tái đàn.

Dù tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương giữa tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định: “Nguồn cung thiếu là rất rõ. Sản lượng thịt cung cấp cho thị trường thiếu hơn 20%, thậm chí nhiều địa phương như Bắc Giang phản ánh kể cả lợn giống, lợn thịt đều thiếu tới 50%”. Nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, những động thái để giải quyết vấn đề nguồn cung của các bộ, ngành chưa thực sự rõ nét, giải pháp trước mắt như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra chỉ là “không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn, có thể ăn cá, tôm, trứng, gà… vừa bổ dưỡng vừa không gây áp lực cho ngành hàng nào”.

Không thể phủ nhận được một thực tế, đó là các bộ, ngành đã thất bại trong việc kiểm soát giá thịt lợn trong nước dù cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp kìm giá, như cho nhập thịt lạnh từ Nga và mới đây cho nhập cả lợn sống từ Thái Lan. Khâu trung gian có thao túng, găm hàng và đẩy giá hay không, đến bây giờ vẫn chưa ai tìm được bằng chứng để kết luận, song diễn biến thị trường thì đã hiển thị rất rõ: Thịt lợn dù đắt mà vẫn bán được, thậm chí khan hàng, đó là quy luật thị trường. Giải pháp tối ưu và duy nhất để giảm giá thịt lợn chính là tăng nguồn cung. Mọi sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính đều vô nghĩa, bởi đi ngược lại quy luật về giá, quy luật cung - cầu.

Tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội sáng 13.6, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn, vì khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nhiều địa phương mất trắng đàn lợn, đến nay muốn tái đàn nhưng thiếu vốn, không có giống chất lượng. Còn các doanh nghiệp lớn không muốn cung cấp giống ra thị trường, hoặc bán với giá cao ngất ngưởng, không thể đến tay người chăn nuôi. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, đàn lợn trong nước sẽ được phục hồi như trước khi dịch tả lợn châu Phi nổ ra. Bởi lẽ, muốn giảm giá chỉ có cách hoặc là tăng nguồn cung hoặc là giảm nhu cầu.

Rõ ràng, thịt lợn neo giá cao trong nhiều tháng qua, cho chúng ta bài học rằng, muốn giảm giá thịt lợn không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính về giá, nhưng có thể giảm giá thịt lợn nhờ tư duy, chính sách hỗ trợ nông dân, chủ trang trại, gia trại, giảm một số khoản phí; kiểm soát chặt khâu trung gian, lưu thông phân phối. Đặc biệt, tỉnh nào đủ điều kiện công bố hết dịch thì phải công bố kịp thời, tạo mọi điều kiện để người dân yên tâm tái đàn, phát triển đàn lợn. Các địa phương cũng cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi năm 2019, tạo điều kiện về vốn, tín dụng, chính sách về mặt đất đai cho người dân tái đàn… Đó là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ.

Và thay vì “kêu gọi” giảm giá, các bộ, ngành phải cung cấp đầy đủ thông tin về tổng đàn lợn, giá lợn thế giới, diễn biến dịch bệnh ra sao nhằm tổ chức lại hoạt động sản xuất và điều chỉnh nguồn cung. Khi chính sách điều chỉnh lợi ích của các bên tham gia được hài hòa thì việc tái đàn, tăng đàn sẽ sớm thành công; góp phần tạo ra nguồn cung dồi dào, điều tiết được giá hợp lý theo nguyên tắc thị trường.

Duy Anh