Chính sách và cuộc sống

Không phải cứ “xin” là được “cho”

- Thứ Hai, 08/06/2020, 07:37 - Chia sẻ
Sau khi có chủ trương chuyển đổi dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư công - tư (PPP) sang đầu tư công, một số bộ đã đề xuất Thủ tướng chỉ định thầu cho doanh nghiệp thuộc bộ thực hiện dự án.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng ưu tiên chỉ định Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam. Tương tự, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho chỉ định thầu Tổng Công ty Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc này để tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân.

Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có quan điểm vênh nhau về hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp một số dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam được triển khai bằng vốn ngân sách. Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng áp dụng chỉ định thầu, thì Bộ Giao thông - Vận tải lại muốn tổ chức đấu thầu.

Các bộ hẳn đều có lý do của mình khi muốn chỉ định thầu, lý do ấy có hợp lý hay không là câu chuyện khác. Tuy nhiên, không phải các bộ “xin” là sẽ được “cho”.

Bởi lẽ, trong phiên họp chiều 1.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ chỉ trình Quốc hội phương án chuyển sang đầu tư công 3 dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo; Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; đồng thời lưu ý Chính phủ phải tiến hành đấu thầu nếu được Quốc hội nhất trí sử dụng 100% vốn đầu tư công thực hiện 3 dự án này.

Đặc biệt, tại Kết luận 77 ban hành ngày 5.6.2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước,

Bộ Chính trị yêu cầu việc điều chỉnh một số dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công phải bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi và có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Chỉ có đấu thầu mới bảo đảm “công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả” như yêu cầu của Bộ Chính trị. Hơn nữa, ngoại trừ dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo không nhà đầu tư nào quan tâm theo hình thức PPP, thì dự án Phan Thiết - Dầu Giây có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Qua được vòng sơ tuyển chứng tỏ những nhà đầu tư này đáp ứng được các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm. Trong số đó chắc chắn có những nhà đầu tư mạnh về thi công, xây lắp. Nếu đấu thầu nghiêm túc - nghĩa là không thông thầu, không dùng quyền lực bên ngoài để can thiệp vào kết quả xét thầu, không cài cắm những điều kiện để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, sẽ chọn được nhà thầu tốt nhất, giúp triển khai dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt đốc thúc các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể sẽ xuất hiện tình huống các bộ, ngành, địa phương đua nhau xin chỉ định thầu với những lý do nghe rất chính đáng như cấp bách, đặc thù... Nhược điểm của chỉ định thầu thì ai cũng thấy rõ, đó là không bảo đảm cạnh tranh, dễ xảy ra lợi ích nhóm, dễ xuất hiện chuyện xin - cho, rủi ro luôn rình rập và phần thiệt thường thuộc về Nhà nước. Mỗi dự án đầu tư công giá trị đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu bị các nhóm lợi ích lũng đoạn, ngân sách nhà nước sẽ thất thoát số tiền không nhỏ. Muốn tránh những hệ quả đó chỉ có cách duy nhất là áp dụng đấu thầu rộng rãi. Trường hợp bắt buộc phải chấp nhận chỉ định thầu, hãy chọn nhà thầu có năng lực, có kinh nghiệm thực hiện công trình đạt quy mô, giá trị tương tự và chỉ áp dụng với các dự án có khả năng triển khai trong năm 2020.

Quay lại với 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam kể trên, theo luật định, Thủ tướng sẽ là người quyết định phương án chọn nhà thầu nếu Quốc hội chấp nhận chuyển sang đầu tư công. Nếu vì lý do nào đó mà buộc phải chỉ định thầu, Thủ tướng trước hết hãy quan tâm đến những liên danh nhà đầu tư đã trúng sơ tuyển thực hiện dự án theo hình thức PPP, thay vì những doanh nghiệp “con cưng” của bộ này, ngành nọ.

Hà Lan