Không hành chính hóa quan hệ dân sự

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 17:23 - Chia sẻ

Sáng qua, (10.6), Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật đã bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Câu hỏi đặt ra là, biện pháp cưỡng chế này đã được cơ quan soạn thảo tính toán kỹ lưỡng thấu đáo chưa, liệu quy định này có hành chính hóa quan hệ dân sự?

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt. Dù vậy, trên thực tế có không ít quyết định xử phạt hành chính vẫn bị “treo” vì người bị xử phạt vẫn cố tình không thi hành. Thậm chí, có những trường hợp tái phạm nhiều lần. Do đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế cần phải được tính toán thấu đáo, tránh chỉ để lợi cho cơ quan quản lý, mà để xảy ra những hậu quả khôn lường.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như coi việc ngừng cung cấp điện, nước là “biện pháp cưỡng chế” thì dự thảo Luật dường như đang hành chính hóa quan hệ dân sự. Bởi lẽ, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là nguyên liệu quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt là chưa phù hợp. Hơn nữa, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa bên cung cấp và người sử dụng. Do đó, nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp ngừng cung cấp, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà cung cấp. Đó là chưa kể sẽ bị ảnh hưởng đến các đối tượng có liên quan nhưng không phải là người trực tiếp có hành vi vi phạm hành chính. Liệu cơ quan soạn thảo đã lường trước được tác động của quy định này? Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, ngừng cung cấp điện, nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng nghìn công nhân mà dừng cung cấp nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người, tác động ghê gớm.

Thực tế cho thấy, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính có tính “trực tiếp” để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên chăng chỉ bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm. Quy định này góp phần bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời”. Đồng thời, nhằm luật hóa quy định về biện pháp ngừng cung cấp điện, nước để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép mà Nghị định số 180/2007/NĐ-CP đã quy định.

Chế tài xử phạt nhằm mục đích ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, để bảo đảm trật tự xã hội, tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng cần lưu ý rằng, biện pháp xử lý hành chính không được phép can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự. Bởi nếu quy định không khéo sẽ có thể đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh “sống dở, chết dở”, trong khi họ không phải là những người có hành vi vi phạm. Đây là điều cơ quan soạn thảo phải cân nhắc kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng lưu ý, cần cân nhắc để “không hành chính hóa quan hệ dân sự”. 

Hà An