Khoảng lặng cần thiết

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 16:42 - Chia sẻ
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường hôm qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói rằng giờ không phải là thời điểm thích hợp để do dự nhưng vẫn cần có khoảng lặng trong cuộc chiến gấp gáp đối phó với những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khoảng lặng ấy để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách kinh tế, chính sách hỗ trợ. Khoảng lặng ấy để xem chính sách có đạt mục tiêu hay không, kết quả mang lại có vượt trội so với hậu quả tiêu cực của chính sách hay không?

Đến giờ vẫn không ai đoán được dịch Covid-19 khi nào chấm dứt, chỉ biết rằng nó đã làm tê liệt nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và người dân nước ta. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã phê duyệt những chính sách hỗ trợ quan trọng. Đầu tiên là Nghị định 41 gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và tiền thuê đất. Gói hỗ trợ khác là an sinh xã hội với quy mô 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động và nhiều đối tượng khác nhau. Trước đó, các ngân hàng cũng tung ra gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô nâng cấp dần theo thời gian, từ 150 nghìn tỷ đồng ban đầu nay đã lên 300 nghìn tỷ đồng.

Phản ứng chính sách của Chính phủ, như nhận xét của một số chuyên gia, thoạt nhìn rất toàn diện, từ tiền tệ, tài khóa đến bảo hiểm xã hội, an sinh nhưng tiếc rằng lại không rõ trọng tâm, trọng điểm, hoặc có thể nói là dàn trải, cào bằng nên hiệu quả không cao. Để giải cứu doanh nghiệp, Chính phủ buộc phải hành động nhanh, quyết đoán. Tuy nhiên, nếu có một khoảng lặng, Chính phủ sẽ nhận thấy rằng trong bối cảnh nguồn lực của mình có hạn, khả năng sống sót và phát triển (về sau) của doanh nghiệp cũng khác nhau, sẽ tốt hơn nếu Chính phủ xác định rõ nhóm đối tượng, ngành nghề cần được cứu trợ - trong số đó tập trung cứu doanh nghiệp khỏe nhất và chấp nhận buông tay với những doanh nghiệp mà dù Chính phủ có ra sức cứu chữa cũng vẫn khó sống.

Bên cạnh đó, mỗi chính sách đều có mặt mạnh, mặt yếu của nó. Ví dụ chính sách hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập… chủ yếu nhắm vào những doanh nghiệp chỉ bị ảnh hưởng một phần, vì thế họ vẫn hoạt động được, vẫn có doanh thu và tạo ra thu nhập nên vẫn có thể chịu thuế. Còn với những doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc gần như dừng hoạt động, tức là không phát sinh doanh thu, thu nhập thì việc hoãn, giãn thuế là vô nghĩa với họ - số doanh nghiệp này chiếm bao nhiêu phần trăm, họ đã có đủ chính sách khác để khôi phục vượt qua chưa?

Tương tự, đề xuất của Chính phủ trước mắt chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020 là sự chia sẻ cần thiết của khu vực nhà nước với các khu vực khác đang gặp rất nhiều khó khăn và với cả ngân sách hụt thu tới 9,2% trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, chính sách tiền lương mới theo lộ trình Nghị quyết 27 của Trung ương bao giờ thực hiện được? Hoặc, mỗi chính sách tài khóa khi được thông qua sẽ làm giảm thu ngân sách hoặc tăng chi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng - vậy thì đã đến ngưỡng giới hạn nguồn lực chưa, bội chi sẽ phải nới ra bao nhiêu khi thu ngân sách giảm sâu như hiện nay? 

Bởi vậy, thực sự cần phải có khoảng lặng trong cuộc chiến gấp gáp này để lựa chọn giải pháp nào cần thiết hơn, chính sách nào ít “tác dụng phụ” hơn. Đó mới là cách sử dụng hiệu quả nhất nguồn ngân sách đang ngày một hạn hẹp, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Trong khoảng lặng ấy, người ta cũng có thể chiêm nghiệm một điều rằng, những nhận định về làn sóng đầu tư nước ngoài, về sự chuyển biến ngoạn mục, về những cơ hội vàng cho Việt Nam... thời hậu dịch Covid-19 có phần suy diễn chủ quan, lạc quan quá đà. Biết vậy để mà không bay bổng với những ngôn từ hoa mỹ, thay vào đó tập trung củng cố nội lực - yếu tố quyết định đưa Việt Nam thoát khỏi “bóng ma Covid-19” và phát triển bền vững.

Hà Lan