Khi nào rác thải thành tài nguyên?

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 20:49 - Chia sẻ
Xử lý rác thải kể cả rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp ở nước ta chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Ví dụ như tại Hà Nội, đã từng có tới 6 - 7 lần "thất thủ" bởi rác thải ùn ứ... Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Hiện nay, hình thức xử lý rác thải ở nước ta chủ yếu là chôn lấp. Việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn còn rất hạn chế, chỉ một vài địa phương thực hiện trong phạm vi hẹp và ở dạng thí điểm. Vậy nên, chuyện khủng hoảng rác thải tất yếu sẽ xảy ra khi diện tích chôn lấp ngày càng thu hẹp và việc mở bãi rác mới chưa bao giờ là vấn đề đơn giản vì sẽ vấp phải sự phản đối của người dân.

Còn nhớ cách đây trên chục năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh: Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường. Vậy nhưng đến nay vẫn chưa thể hình thành ngành công nghiệp môi trường, và sử dụng rác là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác vẫn chưa như mong muốn.

Thực tế này có thể được minh chứng qua những lần khủng hoảng rác thải ở Hà Nội: Người dân chặn xe rác không cho vào khu xử lý Nam Sơn, Sóc Sơn vì mùi hôi từ bãi rác này. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với công nghệ chôn lấp rác cũ, 1m3 rác sẽ phát sinh 1,2m3 nước rỉ rác. Hiện nay còn 150.000m3 nước rỉ rác và trong nắng nóng đã bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tại Hội thảo Cơ hội đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải tại Việt Nam tổ chức mới đây, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện đang được phân ra thành 3 vùng, tại 3 vùng này có quy định về hoạch định các khu vực quản lý chất thải từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội cũng phân luồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành 3 vùng. Căn cứ quy hoạch này, Hà Nội đang triển khai các dự án trong lĩnh vực xử lý chất thải, đặc biệt là khu xử lý chất thải ở Nam Sơn, Sóc Sơn hiện một ngày đang tiếp nhận 5.000 - 5.500 tấn rác thải sinh hoạt. Hà Nội cũng đang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy phát điện công suất 4.000 tấn/ngày đêm. Dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động.

Như vậy có thể hiểu, công nghệ đốt rác để phát điện là một trong những hướng đi. Thế nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dù đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến, có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn không ít thách thức, khó khăn. Cụ thể, hiện nay khối lượng, quy mô của lượng rác thải liệu có đủ công suất trên 300.000 tấn/năm và đồng thời giải quyết vấn đề rác thải hiện nay là độ ẩm cao và thành phần rác hữu cơ nhiều? Như vậy phải có công nghệ, một là ép rác, hai là phân loại. Tiếp đó là chi phí đầu tư cho công nghệ đốt rác phát điện khá cao. Để thực hiện dự án này phải nghiên cứu khả năng tài chính, huy động nguồn vốn thực hiện. Cuối cùng là đầu ra của năng lượng cần thiết phải có chính sách của Nhà nước và địa phương ưu đãi để tiêu thụ...

Thực tế, rác thải vừa đồng thời là tài nguyên nhưng cũng là thảm họa ô nhiễm môi trường nếu không quản lý được. Bởi vậy, để tận dụng nguồn tài nguyên rác thải, biến rác thải thành giá trị gia tăng cho nền kinh tế, rất cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa của Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương, để rác thải trở thành tài nguyên.

Ninh Khương