Sổ tay:

Khắc phục “lỗ hổng” ý thức chấp hành luật

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:22 - Chia sẻ
Quy định tính điểm bằng lái tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được cơ quan chủ trì soạn thảo kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Song, dư luận cho rằng: Việc tính điểm cộng với mỗi trường hợp vi phạm cần được quy định rõ ràng trong các trường hợp vi phạm; đồng thời cần có giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Theo Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe sẽ được cấp 12 điểm, tương ứng với 12 tháng trong năm. Số điểm này sẽ bị trừ dần nếu tài xế vi phạm các quy định về giao thông. Dự kiến sẽ có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.

Đáng chú ý, nếu trong 1 năm mà người tham gia giao thông bị trừ hết điểm thì sẽ phải thi lại giấy phép lái xe, ngược lại nếu không bị trừ hết điểm thì được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia giao thông cho rằng quy định này khi được triển khai thực hiện sẽ trực tiếp góp phần mang lại chuyển biến về trật tự an toàn giao thông. Thực tế, việc trừ điểm giấy phép lái xe đã được triển khai tại một số nước trên thế giới đã thành công và mang lại hiệu quả ở cả hai phía.

Về phía cơ quan quản lý, việc cập nhật dữ liệu về lịch sử vi phạm của từng tài xế sẽ giúp đánh giá được năng lực, khả năng chấp hành pháp luật; đồng thời công khai, minh bạch công tác quản lý, ngăn chặn sai phạm và phòng ngừa tiêu cực. Còn người tham gia giao thông sẽ dễ dàng truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu để biết mình bị trừ bao nhiêu điểm, từ đó buộc họ phải cẩn trọng, tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Tuy vậy, cũng không ít ý kiến cũng cho rằng, việc trừ điểm là quy định không mới. Tại Việt Nam, một hình thức tương tự như “bấm lỗ” để đánh dấu số lần vi phạm luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe cũng đã từng được thực hiện từ năm 2003. Tuy nhiên, Đến năm 2007, Nghị định số 146/2007/NĐ-CP được ban hành đã chính thức bãi bỏ quy định bấm lỗ bằng lái. Nguyên nhân là bởi việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, thiếu thẩm mỹ và không được “liên thông” với biên bản và quyết định xử phạt… cũng là những lý do khiến hình thức này chưa hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là, hiện ý thức tuân thủ cũng như thực hiện pháp luật về giao thông của người dân phần lớn còn ít nhiều hạn chế. Trong khi đó, tình trạng “đi đêm”, “làm luật” với lực lượng chức năng mỗi khi vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Điều này dẫn đến các văn bản quy phạm pháp luật bị “nhờn”, không có hiệu lực, hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng này, cũng như để hạn chế việc người tham gia giao thông vi phạm luật, điều quan trọng cần làm là lấp “lỗ hổng” về ý thức chấp hành luật. Theo đó, việc cần làm là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho cả người dân và chính lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.

Hải Thanh