Hướng đi cho hòa giải thương mại

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:19 - Chia sẻ
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã quy định toàn diện cho phương thức hòa giải. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã rất chú trọng đến hòa giải khi dành riêng Chương 33 quy định Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Tuy nhiên, cho đến nay phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý đến đúng với tiềm năng phát triển của nó.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Hiện nay, lựa chọn hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp đang là phương pháp được sử dụng phổ biến và rộng rãi ở các nước phát triển hiện nay như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… Bởi lẽ, phương thức hòa giải mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều ưu điểm có thể kể đến như: Tiết kiệm thời gian; chi phí tố tụng; tính bảo mật; các bên tự mình chủ động để đưa ra kết quả giải quyết; không gây ảnh hưởng xấu và giữ được mối quan hệ với đối tác. Đặc biệt, khi lựa chọn phương thức này, nếu không đạt được thỏa thuận, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn đưa tranh chấp ra tòa án hay trọng tài mà không bị giới hạn. Như vậy, phương thức hòa giải sẽ góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống tòa án, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định.

Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, Nguyễn Hưng Quang cho biết, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng các doanh nghiệp hiện không ưu tiên sử dụng, thay vào đó, các doanh nghiệp đang ưu tiên lựa chọn hòa giải đối thoại tại tòa án để giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ, hòa giải đối thoại tại tòa án sẽ giúp tiếp cận được số đông các bên có tranh chấp; được tòa án hỗ trợ từ khâu hòa giải đến khâu công nhận kết quả hòa giải thành; khả năng kết quả hòa giải thành bị tòa án không công nhận thấp... Đặc biệt, thời gian nhận, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, nếu vụ kiện được giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Hiện Việt Nam có 13 Trung tâm Hòa giải thương mại và 7 Trung tâm Trọng tài đăng ký hoạt động hòa giải thương mại, nhưng theo thống kê của Trung tâm Hòa giải Việt Nam, từ khi thành lập đến nay Trung tâm mới chỉ nhận được 7 đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại trong đó năm 2018 có 1 vụ hòa giải, năm 2019 có 5 vụ hòa giải, năm 2020 có 1 vụ hòa giải. Các vụ việc này tập trung trong các lĩnh vực hàng hải, xây dựng và sở hữu trí tuệ. Qua đó cho thấy, những con số thống kê về số vụ hòa giải còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của phương thức giải quyết tranh chấp này.

Giảm gánh nặng cho Tòa án   

Nguồn: ITN 

Làm sao hấp dẫn được doanh nghiệp? 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại, kèm theo đó là những tranh chấp xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải luôn cố gắng tìm ra một phương thức giải quyết tốt nhất và hòa giải thương mại là một phương thức cần được cân nhắc.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc các doanh nghiệp chưa ưu tiên sử dụng phương thức hòa giải thương mại xuất phát từ việc đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nên hiện các thông tin liên quan còn rất hạn chế dẫn đến việc các doanh nghiệp khó tiếp cận. Quan trọng hơn, không ít doanh nghiệp cho rằng, không có quy định, cơ chế ràng buộc thi hành đối với các bên khi lựa chọn phương thức trọng tài.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy việc hòa giải thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cũng như khả năng vận động, thuyết phục các bên của hòa giải viên. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo hòa giải viên hay một chương trình đào tạo hòa giải viên nào một cách chính thức nên chất lượng hòa giải viên chưa được bảo đảm. Đặc biệt, pháp luật tố tụng dân sự hiện không quy định về việc sử dụng tài liệu, chứng cứ trong thủ tục hòa giải không được sử dụng tại tòa án/trọng tài điều này dẫn đến những quan điểm, tài liệu mà các bên đưa ra trong hòa giải có thể trở thành bằng chứng chống lại họ trước tòa án/trọng tài nếu như hòa giải không thành.

Đáng lưu ý, liên quan đến hiệu lực thi hành, về mặt pháp lý, quyết định của hòa giải viên vụ việc không có tính ràng buộc đối với các bên trong tranh chấp mà chỉ mang tính khuyến nghị, đề xuất do vậy các bên trong tranh chấp có thể tự do áp dụng hoặc khước từ. Qua đó, cho thấy quyết định của hòa giải viên có giá trị chưa cao và có thể dẫn đến trường hợp dù đã có kết quả hòa giải thành nhưng các bên vẫn không tự nguyện thi hành. Hơn nữa, để được bảo đảm thi hành thì các bên phải mang biên bản hòa giải thành đến tòa án và đề nghị công nhận theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Khi đó, tòa án sẽ xem xét công nhận hay không công nhận hòa giải thành. Chính vì vậy, việc công nhận hòa giải thành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của tòa án.

Từ thực tế này, để phương thức hòa giải thương mại có thể tiếp cận hơn với các doanh nghiệp thì ngoài việc tuyên truyền pháp luật về hòa giải thương mại cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thì Bộ Tư pháp cần có cơ chế cụ thể hỗ trợ hoạt động hòa giải thương mại, nhất là việc xây dựng chương trình đào tạo.  

Nguyễn Ngân