Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV

- Thứ Ba, 16/06/2020, 00:26 - Chia sẻ
Chiều 18.5, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ Chín sẽ khai mạc vào sáng ngày 20.5 và dự kiến bế mạc ngày 18.6. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ). Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20.5 đến ngày 29.5). Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8.6 đến ngày 18.6). Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian kỳ họp). Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua: dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA);  dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; dự thảo Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.


Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Các dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật Biên phòng Việt Nam; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và xem xét, thông qua Nghị quyết về nội dung này; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp như thông lệ. Tuy nhiên, quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu theo quy định.

Phát biểu tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, mặc dù lần đầu tiên Quốc hội tiến hành họp trực tuyến nhưng các hoạt động của đại biểu như đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết... vẫn diễn ra bình thường, theo đúng quy định pháp luật. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các Kỳ họp trong thời gian tới. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong muốn, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm bảo đảm thông tin tới cử tri cả nước về Kỳ họp một cách kịp thời, chính xác và hấp dẫn.

Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội cũng đã trao đổi với phóng viên báo chí về một số vấn đề liên quan đến Kỳ họp thứ Chín.

Trả lời câu hỏi về tình hình phê chuẩn EVFTA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, ngày 18.4, Chủ tịch Nước đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA; ngày 20.4.2020, Chính phủ có Báo cáo thuyết minh số 159/BC-CP về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA; ngày 21.4.2020 Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Chín.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn Hiệp định này sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp trên toàn cầu; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào. Việc Việt Nam ký và phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với EU tại thời điểm này là phù hợp và rất đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; hồi phục phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19…

Trả lời câu hỏi về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định như thế nào đối với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, vấn đề này có cần báo cáo Quốc hội hay không, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Trường Giang cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số CPI tăng từ 20% trở lên thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Như vậy, luật đã quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ.

Tin: Thanh Chi
Ảnh: Quang Khánh