Hà Nam: Khai mạc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIX

- Thứ Ba, 05/12/2023, 09:50 - Chia sẻ

Ngày 5.12, HĐND tỉnh Hà Nam đã khai mạc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIX. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thuỷ chủ trì kỳ họp.

Cùng dự có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy…

Xem xét quyết định những chủ trương quan trọng

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết: Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo đã ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và việc thực hiện mục tiêu chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua. Tại kỳ họp này, HĐND sẽ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 65/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đồng thời, đề ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Hà Nam khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIX -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu. Ảnh T. Tâm

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Hà Nam sẽ thảo luận, xem xét thông qua 3 Nghị quyết về Chương trình, Kế hoạch hoạt động, Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh; 22 Nghị quyết về kinh tế - xã hội và tổ chức bộ máy. Đồng thời, thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp; những ý kiến của cử tri tiếp nhận tại Kỳ họp qua đường dây nóng và hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và trả lời chất vấn của các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.

Ngoài ra, HĐND tỉnh sẽ tiến hành miễn nhiệm thành viên UBND tỉnh theo quy định. HĐND tỉnh thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND đối với sự nỗ lực cố gắng để đạt được những kết quả quan trọng từ đầu nhiệm kỳ tới nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy, để chuẩn bị cho kỳ họp, trong thời gian qua, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các cơ quan có liên quan đã tích cực, chủ động, phối hợp tổ chức tốt các cuộc TXCT trước kỳ họp và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị kỹ các nội dung trình. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, lãnh đạo UBND tỉnh; các thành viên UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành theo chức trách, nhiệm vụ được giao, chủ động nghiên cứu các ý kiến thảo luận, giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

Đặc biệt, với trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri và Nhân dân, các đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng và xem xét quyết định những chủ trương đúng, sát với thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của người dân.

Hà Nam khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIX -0
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh T. Tâm

“HĐND tỉnh mong muốn cử tri và Nhân dân trong tỉnh dành thời gian quan tâm, theo dõi, giám sát hoạt động của Kỳ họp; tham gia đóng góp ý kiến để HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng sự mong đợi, tin tưởng của cử tri và nhân dân trong tỉnh”, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị.

Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/16 chỉ tiêu

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp khó khăn, song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển.

Hà Nam khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIX -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh T. Tâm

Theo đó, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/16 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,41%, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc; thu ngân sách nhà nước gần đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển, thu hút đầu tư tăng khá; thương mại, dịch vụ từng bước phục hồi; hoạt động du lịch đạt kết quả cao. Sản xuất nông nghiệp cũng phát triển ổn định; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vượt kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, liên vùng được quan tâm đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, có 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); thu cân đối ngân sách và GRDP bình quân đầu người. Mặt khác, tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, các dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh tăng so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc thực hiện một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp chưa kịp thời; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, môi trường còn hạn chế; hiệu quả cải cách hành chính chưa cao, tình trạng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh chưa làm hết trách nhiệm chậm được khắc phục; trình độ năng lực một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nỗ lực cố gắng, vượt mọi khó khăn

Với phương châm nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, tỉnh Hà Nam phấn đấu  năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá so sánh 2010) đạt 55.447,33 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người đạt 109,8 triệu đồng, tăng 13,8% so với năm 2023; thu ngân sách Nhà nước đạt 16.076,0 tỷ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 45,582 tỷ đồng, tăng 7,0% so với năm 2023, chiếm 46,59% GRDP theo giá hiện hành; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,96%, giảm 0,53% so với thực hiện năm 2023;….

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các Chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển. Đồng thời, tổ chức gắn kết chặt chẽ việc phát triển hạ tầng cụm công nghiệp và tiểu thu công nghiệp; tập trung triển khai lập Quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistic Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, các trung tâm du lịch lớn trong nước nhằm khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch;…

Hà Nam khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIX -0
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Ảnh T. Tâm

Mặt khác, tỉnh cũng ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất thông minh; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; tham mưu bố trí nguồn lực để đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ lập và tổ chức thực hiện Chương trình phát triển đô thị; huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu du lịch (đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc);…

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số. Phấn đấu năm 2024, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 86,0 điểm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 65,0 điểm; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh  (PAPI) đạt 45,0 điểm. Đặc biệt, Hà Nam sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu. Phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt trên 10%/năm;…

Đào Cảnh - Trần Tâm
#