Hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19

- Chủ Nhật, 21/06/2020, 06:03 - Chia sẻ
Với tỷ lệ tán thành cao của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Đây là tin vui đối với doanh nghiệp - đối tượng bị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Quốc hội đã quyết định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Chính sách này nhằm hướng tới các doanh nghiệp khó khăn, đó là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Do ảnh hưởng của dịch, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng đóng băng, “ngủ đông”. Việc doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hay giải thể phụ thuộc rất lớn vào nội lực của mỗi doanh nghiệp. Và đương nhiên, cũng phụ thuộc rất lớn vào “phao cứu sinh” từ các giải pháp chính sách từ phía Quốc hội và Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Trong đó, nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ bị chịu ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những doanh nghiệp bị chịu tác động tiêu cực này nếu không có những giải pháp từ nội lực, từ sự hỗ trợ từ bên ngoài thì nguy cơ phải đóng cửa, giải thể, phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra. Và hậu quả để lại là rất lớn, hàng trăm, hàng nghìn lao động bị mất việc làm, thu nhập, Nhà nước mất khoản thu ngân sách… Do đó, ngoài sự nỗ lực, vượt khó của chính doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự tháo gỡ bởi các chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Việc Quốc hội thông qua nghị quyết này thể hiện rõ trách nhiệm, sự chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, của Quốc hội đối với doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi để cho doanh nghiệp phát triển. Xuyên suốt hoạt động lập pháp, nhiều chính sách lớn để hỗ trợ doanh nghiệp đã được Quốc hội ban hành, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này cũng không nằm ngoài mục đích nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch.

Chia sẻ, hỗ trợ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thời gian qua, nhiều bộ, ngành cũng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính mới đây đã ban hành 2 Thông tư số 49/2020/TT-BTC và Thông tư số 50/2020/TT-BTC để giảm phí từ 20 - 30% đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và an toàn lao động. Đối với lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19… Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau Covid-19.

Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách nhân văn này nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Mong rằng, doanh nghiệp tiếp cận chính sách với thủ tục đơn giản, thuận tiện, tránh tình trạng doanh nghiệp “hưởng một đồng, công một nén” khi tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Lê Hùng