Mảnh ghép Liên ngành và Nghệ thuật của Đại học Quốc Gia Hà Nội

- Thứ Bảy, 27/04/2024, 10:09 - Chia sẻ

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là một đơn vị đào tạo mang bản sắc riêng khi xây dựng triết lý đào tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng của khoa học liên ngành.

Mảnh ghép Liên ngành và Nghệ thuật của Đại học Quốc Gia Hà Nội

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được thành lập dựa trên việc chuyển đổi Khoa Các khoa học liên ngành thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật với các chức năng và nhiệm vụ chính là tổ chức, triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật để bổ sung một mảnh ghép còn thiếu trong mô hình tổ chức đại học đa ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu để hiểu rõ hơn chiến lược phát triển, tầm nhìn, định hướng đào tạo mang tính liên ngành của nhà trường.

Mảnh ghép Liên ngành và Nghệ thuật của Đại học Quốc Gia Hà Nội -0
Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu

Liên ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp

- Thưa ông, Khoa Các khoa học liên ngành đã có bước chuyển mình, trở thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, vậy chiến lược phát triển của nhà trường trong vai trò mới là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật sau khi được chuyển đổi được Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo định hướng liên ngành, liên lĩnh vực; tiên phong trong phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật; thực hiện nghiên cứu, chuyển giao tri thức và tư vấn chính sách; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế; với định hướng phát triển là sẽ trở thành một cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng về khoa học liên ngành và nghệ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội và được xếp hạng cao ở khu vực và thế giới.

Rõ ràng với sứ mệnh và tầm nhìn phát triển như vậy thì có thể thấy hai định hướng trọng tâm trong quá trình phát triển của nhà trường trong thời gian sắp tới là khoa học liên ngành và nghệ thuật.

Điều này cũng có nghĩa bên cạnh các chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực nhà trường đang triển khai thì một nhiệm vụ trọng tâm là nhanh chóng phát triển lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự tăng trưởng của nền công nghiệp văn hóa - sáng tạo và các hoạt động kinh tế sáng tạo của đất nước.

Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm rằng sự phát triển các hoạt động đào tạo về sáng tạo nghệ thuật không tách rời khỏi việc phát triển hệ thống lý thuyết và tri thức của khoa học liên ngành. Trong khi đó, với việc triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu về nghệ thuật sẽ góp phần kiểm chứng, hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển của khoa học liên ngành hiện đại.

Đó là định hướng phát triển về mặt chiến lược; còn đối với các chủ trương phát triển cụ thể, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật trong thời gian tới sẽ tập trung ở một số các khía cạnh sau:

Thứ nhất, tăng cường và phát triển các chương trình đào tạo mới, đặc biệt là các chương trình đào tạo về các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Thứ hai, không ngừng tăng cường đội ngũ cán bộ giảng viên đa dạng, đặc biệt trong đó là những chuyên gia, những người thực hành và sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn cao, nhằm đáp ứng với quy mô đào tạo và sự tăng trưởng của nhà trường.

Thứ ba, từng bước nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất gắn với các hoạt động thực hành sáng tạo nghệ thuật, nhằm tạo ra không gian và các điều kiện học tập có chất lượng và đa dạng cho sinh viên

Thứ tư, xây dựng môi trường học tập ngày càng toàn diện hơn, triển khai nhiều giải pháp riêng khác để người học có được trải nghiệm sáng tạo và trách nhiệm hơn.

Cuối cùng, phát triển một mô hình đại học dựa trên mạng lưới hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp, các trường đại học có uy tín ở trong nước và quốc tế; xây dựng nhà trường trở thành hình mẫu của sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học với quan điểm “liên ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp”; đồng thời cũng là trung tâm dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển của các lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật ở Việt Nam.

- Vậy đâu là điểm khác biệt trong chương trình đào tạo của nhà trường?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là một đơn vị đào tạo mang bản sắc riêng khi xây dựng triết lý đào tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng của khoa học liên ngành. Điều này có nghĩa mặc dù là các sinh viên về nghệ thuật, song sinh viên của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật sẽ được học tập và phát triển chuyên môn và các kỹ năng một cách toàn diện, từ các kiến thức của chuyên ngành cho đến việc học tập các môn học liên quan quản trị nghề nghiệp, khởi nghiệp.

Ngoài ra cấu trúc của chương trình đào tạo cũng được xây dựng đa dạng và linh hoạt gồm nhiều nội dung chuyên môn khác nhau, giúp cho sinh viên có thể dễ dàng lựa chọn định hướng phát triển cũng như phát huy các thế mạnh của mình.

Điểm khác biệt thứ hai trong các chương trình đào tạo về sáng tạo, nghệ thuật của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là việc tăng cường các hoạt động thực hành và ứng dụng bên cạnh việc đào tạo lý thuyết.

Thông qua việc bố trí nhiều học phần cơ bản, cơ sở các giờ học thực địa trong chương trình chính khóa, bổ sung các giờ ngoại khóa tại các doanh nghiệp, nhà trường tạo ra môi trường đào tạo mà sinh viên không chỉ tiếp nhận tri thức khoa học từ bài giảng mà ngay từ thực tiễn sáng tạo, sản xuất của cuộc sống.

Cuối cùng, nhà trường chú trọng việc tư vấn, hỗ trợ  học tập cho sinh viên, hướng sinh viên chủ động tăng cường thực hành kỹ năng nghệ thuật và đa dạng trải nghiệm học tập để hình thành tư duy nghệ thuật đa dạng gắn với thực hành nghề nghiệp.

10 chương trình đào tạo cử nhân

- Hiện Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật đang có những ngành đào tạo nổi bật nào? Sinh viên tốt nghiệp ra trường được trang bị những kỹ năng gì và cơ hội việc làm ra sao, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Hiện nay chúng tôi có bốn khoa và bảy ngành cử nhân, nhưng nếu tính chuyên ngành chúng tôi có 10 chương trình cử nhân. Trường có hai khối là: Quản trị - quản lý với các ngành quản trị thương hiệu; Quản lý giải trí và sự kiện; Quản trị tài nguyên di sản; quản trị đô thị thông minh và bền vững. 

Ngoài ra thì chúng tôi có một khối về nghệ thuật và kiến trúc, năm nay sẽ tuyển Kiến trúc sư ngành Kiến trúc và thiết kế cảnh quan; Cử nhân Nghệ thuật thị giác, trong đó có hai hướng rất hay, đó là Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại. 

Với ngành Thiết kế sáng tạo trường đã tổ chức tuyển sinh được một năm, có ba hướng chuyên ngành là Thời trang sáng tạo; Nội thất bền vững; Thiết kế đồ hoạ công nghệ số. Đây là những chương trình cử nhân mà hiện nay chúng tôi đang có.

Trong đào tạo đại học, có 6 ngành sinh viên học 4 năm, tốt nghiệp nhận bằng cử nhân còn ngành Kiến trúc thì sinh viên học 5 năm và nhận bằng kiến trúc sư. Đây cũng là lần đầu tiên ở ĐHQGHN sẽ cấp văn bằng kiến trúc sư.

Về kỹ năng của sinh viên, như đã trao đổi một trong những điểm khác biệt của chương trình đào tạo tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là bên cạnh việc được học những kiến thức nền tảng, kiến thức cơ bản, chúng tôi còn chú trọng đào tạo cho các em về tư duy liên ngành, kiến thức đa dạng và năng lực phát triển toàn diện (bao gồm nhiều loại hình tri thức và kỹ năng chuyên môn khác nhau như kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản trị, khởi nghiệp…).

Điều này không chỉ giúp các em tự khám phá được năng lực của bản thân và phát triển đam mê và bồi dưỡng thế mạnh của mình mà đồng thời nó mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như tăng khả năng năng thích ứng với nhiều yêu cầu công việc nhất là trong bối cảnh đòi hỏi đa dạng về kiến thức và kỹ năng đối với người lao động từ các đơn vị tuyển dụng như hiện nay.

Ngoài ra, một điểm nổi bật đối với sinh viên được đào tạo từ Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đó là khả năng tiếp cận nhanh chóng với môi trường làm việc thực tế bởi lẽ trong suốt chương trình đào tạo, các em có nhiều cơ hội được trải nghiệm, thậm chí là thực tập và làm việc trực tiếp tại nhiều doanh nghiệp là đối tác của nhà trường.

Với phương châm “liên ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp”, trong thời gian vừa qua, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã ký kết hợp tác với gần 100 đối tác là các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và các trường đại học trong nước và quốc tế.

Trong quá trình phối hợp đào tạo và tiếp nhận sinh viên thực tập, các đối tác không chỉ là cơ quan tư hỗ trợ nhà trường trong việc bồi dưỡng phát triển mà còn phát hiện và phản biện những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo.

Cùng với đó nhiều sinh viên đã không ngừng trưởng thành và trực tiếp được tuyển dụng bởi các đối tác sau quá trình làm việc dù các em vẫn chưa chính thức tốt nghiệp. Như thế, rõ ràng cả về kiến thức, kỹ năng cũng như điều kiện về môi trường, cơ hội việc làm dành cho sinh viên nhà trường là hết sức rộng mở sau khi ra trường.

8 phương thức xét tuyển đa dạng

- Thưa ông, năm nay khi chính thức chuyển đổi thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội giao Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tuyển sinh 950 chỉ tiêu. Nhà trường sẽ tuyển sinh theo 02 hình thức với 08 phương thức xét tuyển đa dạng:

Hình thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi THPT (xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm) với các phương thức sau:

Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT

Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của ĐHQGHN

Xét tuyển sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức

Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Anh/Pháp/Trung) với kết quả học tập bậc THPT và kết quả phỏng vấn;

Xét tuyển kết hợp kết quả thi Năng khiếu với kết quả học tập bậc THPT và kết quả phỏng vấn (dành riêng cho các ngành Nghệ thuật, Thiết kế, Kiến trúc).

Hình thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ 50% tổng chỉ tiêu với các phương thức xét tuyển như sau:

Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (sử dụng điểm của 3 môn trong tổ hợp)

Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Anh/Pháp/Trung) với kết quả thi THPT Quốc gia (sử dụng điểm của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển)

Xét tuyển kết hợp kết quả thi Năng khiếu với kết quả thi THPT Quốc gia (sử dụng điểm của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển) - Chỉ dành riêng cho các ngành Nghệ thuật, Thiết kế, Kiến trúc.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang trong quá trình để chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực cán bộ tốt nhất để đón gần 1000 sinh viên của năm nay.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu!

Quốc Việt - Văn Tùng
#