Giám sát công tác xử lý nước thải tại huyện Thanh Oai

- Thứ Ba, 14/07/2020, 11:40 - Chia sẻ
Ban Đô thị HĐND TP đã làm việc với UBND huyện Thanh Oai và đi giám sát trực tiếp tại trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Thanh Oai về việc thực hiện các quy định pháp luật về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của UBND huyện, trong số 4 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn huyện hiện nay, có 1 CCN Thanh Oai đã có trạm xử lý nước thải tập trung, 100% các doanh nghiệp đang hoạt động trong CCN đã ký hợp đồng đấu nối nước thải vào trạm. Trạm này có công suất thiết kế 600m3/ngày đêm, tuy nhiên, mới hoạt động với công suất khoảng 200m3/ngày đêm và hiện tại nước thải đầu ra của trạm xử lý có một số thông số vượt tiêu chuẩn cho phép.

Đối với CCN Thanh Thùy, do các hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề chuyển ra, hoạt động theo hình thức hộ gia đình, mang tính chất làng xã, vì vậy, khi triển khai phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các hộ còn tư tưởng không hợp tác. Còn tại CCN Bích Hòa, hiện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT TP đang triển khai hoàn thiện hồ sơ để xây dựng trạm xử lý nước thải.

Tại buổi giám sát, thành viên đoàn đã gợi mở một số nội dung đề nghị huyện lưu ý. Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Quang Thắng, tại CCN Thanh Oai 100% doanh nghiệp đang hoạt động đã thực hiện đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên Ban Quản lý CCN cần tính toán, rà soát kỹ và đánh giá lại chất lượng nước thải đầu ra để đảm bảo quy chuẩn môi trường.

Còn theo Phó Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Vũ Ngọc Anh, qua đánh giá chưa thấy sự vào cuộc rõ nét của cấp ủy, chính quyền địa phương trong sự đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động này. Chủ trương là phát triển kinh tế vẫn phải đảm bảo môi trường, nhưng, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường xung quanh CCN đã khiến người dân, cử tri phản ánh rất nhiều và qua đi khảo sát thực tế thì tình trạng ô nhiễm nước thải rất đáng trăn trở. Bên cạnh đó, chưa có sự quyết liệt trong xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, do đó, huyện cần phân định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân đánh giá, so với các địa phương khác, Thanh Oai chưa phải là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp nhưng hiện nay đã có sự cố gắng bước đầu trong hình thành các CCN và các cụm này đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của huyện, đóng góp tích cực vào thu ngân sách.

Theo trưởng đoàn giám sát, vấn đề đặt ra hiện nay là các CCN đã hoạt động mới có 1 trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng nhưng công tác quản lý, vận hành trạm cũng còn vướng mắc, chưa đưa kỹ thuật hiện đại vào vận hành, xử lý. Còn 3 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, do đó, sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường.

Vì vậy, Trưởng đoàn giám sát đề nghị trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm công tác xử lý nước thải tại các CCN. Đối với CCN đã được đầu tư nhưng chưa có trạm xử lý nước thải thì phải phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, tính toán được lưu lượng nước thải để đầu tư cho phù hợp và phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành, xử lý, đầu tư đồng bộ từ hệ thống thu gom đến xử lý. Còn đối với những cụm đã có trạm xử lý nước thải tập trung phải có đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở đó mới đưa ra giải pháp xử lý. Đồng thời, huyện cần quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, có báo cáo đánh giá và tổng hợp theo dõi để kịp thời xử lý.