Giải quyết dứt điểm việc tranh chấp quỹ bảo trì chung cư

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:52 - Chia sẻ
Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều chung cư thương mại chưa bàn giao 2% kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị (BQT), điều này dẫn tới hệ lụy tại một số nơi xảy ra khiếu kiện, tranh chấp kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại khu vực. "Với vai trò là cơ quan chuyên môn, đề nghị Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và hướng giải quyết triệt để tình trạng nêu trên" - Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh chất vấn lãnh đạo Sở.

Nhiều chủ đầu tư sử dụng phí bảo trì sai mục đích

Trả lời chất vấn của đại biểu, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2% đối với chung cư thương mại đó là do một số chủ đầu tư (CĐT) quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích; không lập tài khoản riêng để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác. Ngoài ra, có một số trường hợp giữa CĐT và BQT nhà chung cư không thống nhất được trong việc quyết toán số liệu kinh phí bảo trì trong giai đoạn CĐT thực hiện bảo hành hoặc quản lý vận hành nhà chung cư. Đồng thời, việc xác định tỷ lệ nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích mà CĐT giữ lại hoặc chưa bán hết vẫn còn chưa cụ thể, dẫn đến tranh chấp giữa CĐT với BQT...

Sở Xây dựng xác định trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng nêu trên chủ yếu do sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa cao, có nơi còn chưa thực sự quan tâm đúng mức. Trong đó, UBND cấp quận chưa thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các CĐT, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên; việc xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa kịp thời, chưa triệt để...

Đặc biệt, UBND các quận, huyện chưa quyết liệt chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn (nơi có nhà chung cư) trong việc đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập BQT và đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư khi CĐT không tổ chức được Hội nghị nhà chung cư hoặc tổ chức Hội nghị nhà chung cư không thành công, dẫn đến trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn lượng lớn nhà chung cư (253 trường hợp) chưa thành lập được BQT. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư đã nảy sinh một số vấn đề phát sinh chưa có quy định cụ thể nên chính quyền địa phương còn gặp nhiều lúng túng.

Công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại  

Ảnh: P.Long 

Tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư

Để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của các sở ngành, UBND cấp quận trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định quản lý sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền... Đồng thời, khi xem xét, khi thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất và các hoạt động xây dựng, phải kiểm tra danh sách các nhà đầu tư có vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, đề xuất biện pháp xử lý có đủ sức răn đe, tăng cường giải pháp ra quyết định cưỡng chế buộc phải thực hiện.

"Đặc biệt, phải điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư" - lãnh đạo Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần công khai danh sách các CĐT cố tình vi phạm và không tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, kiên quyết không giao các dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư nằn trong danh sách cố tình vi phạm. Mặt khác, cần chủ động giải quyết kịp thời, ngay từ khi mới phát sinh, không để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp kéo dài.

 

 

 

L.HUỲNH