Việt Nam có nhiều dư địa phát triển kinh tế sáng tạo

- Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:21 - Chia sẻ

Ngày 26.4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ. Đây là báo cáo đầu tiên đưa ra cách tiếp cận toàn diện, gắn cơ sở khoa học với kinh nghiệm quốc tế và cách tư duy chính sách thực tiễn nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

Việt Nam có nhiều dư địa phát triển kinh tế sáng tạo -0
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu sâu rộng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối diện với những rủi ro, thách thức liên quan đến chất lượng, mức độ bền vững của tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa đáng kể vào gia tăng nguồn lực đầu vào và các ngành thâm dụng lao động/tài nguyên. Đóng góp của các nhân tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo còn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Việt Nam có nhiều dư địa phát triển kinh tế sáng tạo -0
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, chúng ta đang hướng tới tầm nhìn, mục tiêu phát triển dài hạn, cụ thể là trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển này, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là một điều kiện tiên quyết. Dù vậy, chúng ta đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn. Trong bối cảnh ấy, chúng ta phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế.

Việc sử dụng các công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế sáng tạo, nhiều phương thức mới để sản xuất, phân phối và tạo thu nhập từ nội dung. Các công nghệ đột phá đã giúp các ngành công nghiệp sáng tạo trở thành một lĩnh vực có thể đầu tư ở nhiều thị trường mới nổi. Số hóa cũng có thể tác động tích cực đối với việc bảo vệ tài sản sáng tạo. Việt Nam đã bước đầu có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển trong phát triển kinh tế sáng tạo trên các khía cạnh như: tiếp cận phát triển kinh tế sáng tạo dựa trên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình kinh tế này; coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển kinh tế sáng tạo; thúc đẩy các điển hình tốt, hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ thống thông tin về đo lường kinh tế sáng tạo; thu hút tài năng gắn với phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo phục vụ kinh tế sáng tạo và phát triển các mạng lưới, cụm công nghiệp sáng tạo.

Tại Hội thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Anh Dương đã công bố kết quả nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”. Theo đó, Báo cáo đã phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Các điểm mạnh bao gồm: di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Các điểm yếu bao gồm: hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...); những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo.

Việt Nam có nhiều dư địa phát triển kinh tế sáng tạo -0
Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Anh Dương phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia nêu rõ, Việt Nam có những cơ hội quan trọng cho phát triển kinh tế sáng tạo, nhờ chuyển đổi số, sự phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch, thị trường trong nước có quy mô tương đối lớn và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải xử lý những thách thức liên quan đến cạnh tranh từ thị trường quốc tế, khả năng thích ứng trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ và “sức ỳ” của thể chế.

Để phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới, Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số. Tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng. Thúc đẩy hợp tác và kết nối. Tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam. Song hành với đó, cần gia tăng tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.

Đức Hiệp
#