Nhìn lại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội

Phản ứng nhanh nhạy trước thời cuộc

- Thứ Hai, 09/01/2023, 05:54 - Chia sẻ

 THS. Nguyễn Vân Hậu

Nỗ lực chống chọi để vượt qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đời sống kinh tế - xã hội nhanh chóng ổn định trở lại, mọi sinh hoạt của người dân, hoạt động của doanh nghiệp trở lại bình thường... Đó là ghi nhận và đánh giá của Nhân dân từ thực tiễn. Nhân tố quan trọng tạo nên những thành công nói trên đến từ các chính sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý, nền tảng cho sự triển khai, điều hành hiệu quả của Chính phủ và chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Thiên tai dịch bệnh là điều bất ngờ khó chống đỡ và không thể đòi hỏi các chính sách trong điều kiện bình thường có thể thích ứng ngay được. Đại dịch Covid-19 quá nguy hiểm, không riêng gì nước ta mà nhiều nước phát triển trên thế giới phải vật lộn gần 2 năm mới định hình được cách thức ứng phó, thích nghi trong điều kiện bình thường mới.

Kỳ họp bất thường lần thứ Hai Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 5.1.2023 được dư luận Nhân dân đặc biệt chú ý, theo dõi sát sao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là nội dung tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội. Có thể nhận thấy, từ thành công của công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Nhân dân đặt niềm tin và ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội và đời sống chính trị của đất nước.

Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận - (thứ năm phải sang) động viên lực lượng tuyến đầu phòng chông dịch Covid-19 - ẢNH V. NGUYỄN
Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận - (thứ năm phải sang) động viên lực lượng tuyến đầu phòng chông dịch Covid-19
Ảnh: V. Nguyễn

Minh chứng rõ nhất một Quốc hội hành động, vì dân

Theo đánh giá của dư luận đông đảo cử tri và Nhân dân, Quốc hội đã có phản ứng nhanh nhạy trước thời cuộc trong việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 tại Kỳ họp thứ Nhất, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ và chính quyền địa phương ứng phó kịp thời, phòng, chống hiệu quả thiên tai dịch bệnh. Đó là minh chứng rõ nhất thể hiện một Quốc hội hành động vì dân, đặt sức khỏe tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa ổn định và kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Để thực hiện được yêu cầu trên, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách; trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Chuyển hướng hiệu quả chiến lược phòng, chống dịch

Với quyết tâm chính trị và thống nhất ý chí, hành động, sau khi có Nghị quyết 30/2021/QH15, nhiều văn bản pháp luật thể chế hóa được ban hành, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như: Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021 “Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg “Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động”; Quyết định số 971/QĐ-TTg “Về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”; Nghị định 92/2021/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội...

Việc thực thi các văn bản pháp luật nói trên theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 đã chuyển hướng hiệu quả chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân; hỗ trợ thiết thực cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19... Tính đến cuối năm 2022, đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đã miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp lên tới 193.000 tỷ đồng. Có thể khẳng định, Nghị quyết 30/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 là những nhân tố quyết định tình hình kinh tế - xã hội đất nước phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm trong gần 2 năm qua.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 30/2021/QH15 xác định ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng để mua vaccine phòng dịch Covid-19 là quyết sách được lòng dân giữa thời đại dịch. Chiến dịch tiêm chủng đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh, làm yên lòng Nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 8.3.2021 đến ngày 26.12.2022, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là 265,4 triệu liều.

Kỳ vọng gia hạn thực hiện một số chính sách

Quốc hội khóa XV đã dành thời gian tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch Covid-19, cho thấy sự cầu thị sau những ý kiến phản biện xã hội về những mặt tích cực và tiêu cực trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15. Đây là cách làm khoa học, công việc không thể thiếu trong chu trình chính sách nhằm điều chỉnh các biện pháp, cơ chế thực hiện, đáp ứng giữ vững mục tiêu của chính sách.

Trong đó, phải thừa nhận rằng, các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 chưa bao phủ hết tất cả người yếu thế, nhất là đối tượng lao động làm việc theo hợp đồng không giao kết, ngắn hạn trong các lĩnh vực cung ứng lao vụ, các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ... bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà không nhận được hỗ trợ nào. Hay những tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi chính sách do công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng làm chưa tốt... Mặt khác, thời gian thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 chưa dài và đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 31.12.2022, trong khi một số mục tiêu chính sách chưa đạt được, nhiều đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách, kể cả lực lượng tuyến đấu chống dịch.

Cử tri và Nhân dân kỳ vọng tại kỳ họp bất thường lần thứ Hai này, Quốc hội sẽ đánh giá đúng thực trạng, xem xét, gia hạn thực hiện đối với một số chính sách phòng, chống dịch Covid-19, vì lợi ích của Nhân dân.