Giám sát việc quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước

“Địa chỉ” rõ ràng, đề xuất thẳng thắn

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:29 - Chia sẻ
Tại những kỳ họp QH gần đây, có ý kiến ĐBQH phản ánh câu chuyện nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách hay có luật mới sẽ có thêm quỹ mới. Song, chỉ đến giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013 - 2018, bức tranh tổng thể về những quỹ này mới rõ nét. Các thành viên UBTVQH cũng đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát vì đã đưa ra “địa chỉ” hạn chế rõ ràng, cũng như đề xuất thẳng thắn.

Nhiều quỹ cần được bãi bỏ, sắp xếp lại...

Là thành viên UBTVQH cho ý kiến đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này, thậm chí khẳng định “lâu lắm mới có cuộc giám sát nêu rõ địa chỉ hạn chế, đưa ra đề xuất thẳng thắn”. Với các tài liệu gửi UBTVQH (gồm báo cáo kết quả giám sát dài trên 30 trang, 8 phục kèm theo), Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, đây là một cuộc giám sát có chất lượng tốt.

Chất lượng của cuộc giám sát này không chỉ thể hiện qua việc lần đầu tiên xây dựng một bức tranh toàn cảnh về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (quỹ tài chính ngoài ngân sách). Như cách nói của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, thì ĐBQH những khóa trước đã “râm ran” nói nhiều về tình trạng có nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập, đặc biệt là tình trạng “có luật mới sẽ có thêm quỹ mới” (?).


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

 Qua giám sát cho thấy, hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng các quỹ khá phức tạp. Các quỹ tài chính do có mục tiêu khác nhau cho nên nguồn tài chính để hình thành các quỹ này cũng rất khác nhau. Có quỹ mang tính chất như thuế,  phí, lệ phí, nhưng có những khoản mang tính chất tự nguyện. Căn cứ tính cũng rất khác nhau, mức thu cũng đa dạng và từ đó chế độ chi tiêu cũng rất khác nhau để phục vụ cho các phạm vi đối tượng khác nhau. Thanh toán, quyết toán theo nguyên tắc chung kế toán, nhưng rõ ràng những chế độ khác nhau, phục vụ cho các nhiệm vụ khác nhau. Cơ chế tài chính của quỹ tài chính ngoài ngân sách đa dạng có thể là lỗ hổng, nếu chúng ta không có kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ thì có thể dẫn tới thất thoát, lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Điều tạo ấn tượng nhất với Ủy viên UBTVQH khi cho ý kiến với báo cáo kết quả giám sát có lẽ là sự thẳng thắn trong đánh giá hạn chế, tồn tại trong việc ban hành và thực thi văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Điều này có thể thấy ngay trong nhận định về khái niệm quỹ tài chính ngoài ngân sách được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chưa thực sự rõ ràng, chưa làm rõ được cơ quan có thẩm quyền thành lập quỹ, dẫn đến có rất nhiều cách hiểu khác nhau về quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Đặc biệt, không chỉ nêu ra những hạn chế, tồn tại có vẻ nhiều hơn so với tác động tích cực của quỹ tài chính ngoài ngân sách, Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ rõ, Chính phủ cần nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với 6 quỹ: Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ Hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng, chống thiên tai. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá; Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Hay như, để có thể tập trung nguồn lực, giảm các đầu mối quản lý quỹ, hướng tới nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, Đoàn giám sát đề nghị, cần rà soát, sáp nhập các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động (cho vay) hoặc trùng lặp về đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng chuyển các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động tín dụng của các quỹ về Ngân hàng Chính sách xã hội để thống nhất quản lý, tận dụng được hệ thống, tổ chức bộ máy, biên chế hiện có của Ngân hàng Chính sách xã hội. Một số quỹ khác được đề xuất thực hiện rà soát để chuyển vào cân đối ngân sách nhà nước đối với các nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách.

... nhưng quỹ nào cũng có lý do khi thành lập

Các quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc diện giám sát lần này đa số đều có thời gian thành lập từ lâu, nên việc không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 là điều dễ hiểu. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhận thấy, những quỹ được Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ ngay hay bãi bỏ theo lộ trình đều là quỹ “có tên tuổi”, được dư luận quan tâm, có tác động lớn đến đời sống người dân. Những quỹ không ai nói đến, không làm được gì lại không được đưa ra đánh giá. “Lập ra quỹ đã khó lắm, nhưng bãi bỏ song lập lại thì nan giải. Do đó, cách ứng xử phải thực sự khoa học, vì sự phát triển”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng lưu ý.

Không chỉ có các quỹ “vô thưởng, vô phạt”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra hiện tượng “quỹ có tên song chưa hình thành”, tức là quỹ được quy định trong luật chuyên ngành, song đến nay chưa thành lập. Quỹ Phát triển du lịch được đưa ra như một ví dụ. Quỹ này được Luật Du lịch cũ quy định từ cách đây 10 năm, song không hình thành được vì không biết nguồn thu ở đâu. Quỹ Phát triển du lịch hiện đã được thành lập sau nhiều nỗ lực, song Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, đang hoạt động khó khăn, vì nếu để Nhà nước quản lý quỹ này, doanh nghiệp sẽ ngại đóng góp. Và tình trạng tương tự cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đưa ra với Quỹ Điện ảnh hay Quỹ Thủy sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn trước đề nghị sáp nhập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo trong khi vẫn giữ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, quỹ tài chính ngoài ngân sách là một công cụ, đòn bẩy quan trọng để các tổ chức đoàn thể có thể chuyển từ hoạt động “chay” sang có nội dung. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cần cân nhắc khi đề xuất sáp nhập quỹ của các tổ chức đoàn thể, không thể chỉ vì nhỏ bé mà sáp nhập, mà cần chú ý đến ảnh hưởng của quỹ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tán thành với đánh giá của Đoàn giám sát về Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng, vì không chỉ cần rà soát lại những khoản thu, chi trùng với nhiệm vụ thu, chi của ngân sách. Qua giám sát tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng thấy, vai trò bảo vệ rừng của quỹ này không được thể hiện rõ, mới thấy rõ chức năng chuyển khoản tiền này cho từng hộ dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, cơ chế giao khoán rừng và mức chi dịch vụ rừng nhìn chung đều thấp, không bảo đảm công bằng giữa các địa phương.

Ghi nhận những ý kiến phân tích kỹ càng của các thành viên UBTVQH, song Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, việc duy trì quá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ làm phân tán nguồn lực nhà nước. Mối quan hệ giữa quỹ tài chính ngoài ngân sách với ngân sách nhà nước được Chủ tịch QH so sánh với hiện tượng đang xảy ra ở một số địa bàn nước ta, khi dòng sông chính đang cạn dần, song các hồ lớn, hồ nhỏ xung quanh lại giữ nước. “Dòng sông khi còn đầy chảy vào các hồ, các hồ đầy hết rồi thì sông cạn nước không còn nguồn vào nữa. Hồ là các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”, Chủ tịch QH lưu ý.

Có thể thấy, nhu cầu rà soát, sắp xếp và cơ cấu lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã thấy rất rõ trong thực tiễn. Tuy nhiên, Nghị quyết của UBTVQH không thể đưa ra những đề xuất cụ thể như của Đoàn giám sát, thay vào đó cần đưa ra đánh giá khách quan, công tâm và chính xác về những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại của quỹ tài chính ngoài ngân sách. Và việc quan trọng nhất mà Nghị quyết này cần thực hiện được, theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, đưa ra nguyên tắc thực hiện, tạo cơ sở cho Chính phủ tiến hành rà soát, xây dựng lộ trình sắp xếp hay giải thể cụ thể với từng quỹ.

Lê Bình