Dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Đăng ký thường trú không ngăn được tăng dân số đô thị

- Thứ Năm, 07/05/2020, 07:54 - Chia sẻ
Tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương trong Luật Cư trú hiện hành và quy định có liên quan tại Điều 19 của Luật Thủ đô. Cơ bản ủng hộ đề xuất của dự luật, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu phải đánh giá tác động chính sách thật kỹ lưỡng để vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, vừa phù hợp với hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện quản lý an ninh, trật tự tại các địa phương này.

Vấn đề bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương và bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú được Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm. Các ý kiến cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất là bỏ điều kiện này như đề xuất của Chính phủ. Tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi) cũng có quy định bỏ Khoản 3, Khoản 4, Điều 19, Luật Thủ đô, tức là những điều kiện đặc thù liên quan đến việc đăng ký thường trú tại Thủ đô. Dự luật đưa ra quy định này nhưng lại chưa đề cập đến quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 19, Luật Thủ đô, trong đó, Khoản 1 quy định dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Vậy “quy mô dân số”, “mật độ dân cư”, "quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô" như thế nào? Còn Khoản 2 quy định HĐND thành phố ban hành các chính sách nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành Thủ đô, để vừa bảo đảm quyền tự do cư trú theo quy định pháp luật của công dân, vừa phù hợp với hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện quản lý an ninh, trật tự, cơ quan soạn thảo phải tổng kết kỹ hơn, lấy ý kiến thêm của các cơ quan, các địa phương này và có đánh giá tác động chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Từ thực tế của Hà Nội

Điều kiện đăng ký thường trú riêng được đưa ra với các thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Cư trú hiện hành và Điều 19 Luật Thủ đô. Quy định này xuất phát từ thực tế người dân ở khu vực nông thôn tập trung về các thành phố trực thuộc Trung ương gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn. Qua giám sát việc thực hiện quy định về quản lý dân cư tại Thủ đô, Ủy ban Pháp luật cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số Hà Nội tăng lên mức 7,3 - 7,9 triệu người, nhưng mới chỉ đến năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người, trong đó có gần 1,8 triệu người tạm trú. Kết quả giám sát cũng cho thấy, trong thời gian 5 năm (2013 - 2017) chỉ có khoảng 120 nghìn người đăng ký thường trú vào Hà Nội theo các điều kiện quy định tại Điều 20, Luật Cư trú và Điều 19, Luật Thủ đô. Như vậy, số lượng người đăng ký thường trú vào Hà Nội chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng người tạm trú và rất nhỏ so với tỷ lệ tăng dân số cơ học của thành phố.

Tình trạng nêu trên cũng xuất hiện ở không ít thành phố trực thuộc Trung ương khác. Nói cách khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn so với các địa phương khác nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa bàn này, nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương trong Luật hiện hành; đồng thời, bãi bỏ Khoản 3 và Khoản 4, Điều 19, Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú ở địa bàn này. Như vậy, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các điều kiện như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Tờ trình dự án Luật nêu rõ, trong thực tế việc đặt ra các điều kiện riêng sẽ hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Quy định hiện hành tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, trong khi chưa thực sự là biện pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu giảm di dân, tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Thiếu đánh giá tác động

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí cho rằng, cần cân nhắc bãi bỏ các điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc Trung ương và tại Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cũng cho rằng, cần nghiên cứu công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế - xã hội... để vẫn quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học, bảo đảm an ninh, trật tự, khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp số lượng người đến cư trú ở các địa phương này có thể tăng nhanh do quy định về đăng ký thường trú được bãi bỏ.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, quy định công dân đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương phải đáp ứng những điều kiện riêng là cần thiết để bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như an ninh, trật tự tại các đô thị lớn. Ngoài ra, nhiều chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa… đang gắn với quyền lợi của người đăng ký thường trú. Do vậy, khi cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các thành phố trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn. Ngoài ra, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cư trú, Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật cũng chưa làm rõ những vấn đề này, nên theo các đại biểu cũng chưa có cơ sở để xem xét, quyết định việc sửa đổi như đề xuất của Chính phủ.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quy định tại Luật Cư trú, Luật Thủ đô hiện hành được sử dụng như các biện pháp hành chính để hạn chế người dân tập trung về Thủ đô, các thành phố trực thuộc Trung ương. Song, trên thực tế, những biện pháp hành chính này không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi đó lại gây ra những cản trở, khó khăn trong thực tế. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc hạn chế di dân từ nông thôn vào các thành phố trực thuộc Trung ương có thể thực hiện bằng các biện pháp khác. Trong khi đó, nếu không đăng ký thường trú cho những người sinh sống hợp pháp tại các thành phố trực thuộc Trung ương thì cũng sẽ không quản lý hiệu quả dân cư ở các địa bàn này.

Do còn có quan điểm khác nhau nên Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu cần phân tích, làm rõ thêm vấn đề này, đặc biệt phải làm rõ tính thống nhất với Luật Thủ đô. Vấn đề tăng dân số cơ học của các thành phố lớn cũng phải có tổng kết, đánh giá kỹ để làm cơ sở xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dù đồng ý với phương án được Chính phủ đề xuất, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, các thành phố lớn đang thu hút số dân nhập cư rất nhiều, nên khi bỏ điều kiện này phải đánh giá kỹ hơn tác động, nhằm tạo sự đồng thuận của chính quyền địa phương.

Lê Bình