Đảng bộ Huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình – Dấu ấn một nhiệm kỳ

- Thứ Hai, 27/07/2020, 08:44 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2015-2020, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã có nhiều giải pháp, ghi dấu ấn trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn mới tiếp theo…

Giữ vững đà tăng trưởng

Năm năm qua, có thể nói huyện gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, hai trận lũ lớn năm 2016, trận siêu bão năm 2017, dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh toàn cầu Covid-19… để lại những hậu quả nặng nề trong sản xuất, kinh doanh và xáo trộn đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, điểm xuất phát thấp khiến đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển…

Tuy nhiên, Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện đã nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm chính trị rất cao, năng động, sáng tạo, hành động quyết liệt, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Lê Công Hữu thăm và tặng quà Tết 2020 đồng bào Mã Liềng ở xã Lâm Hóa
Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Lê Công Hữu thăm và tặng quà Tết 2020 đồng bào Mã Liềng ở xã Lâm Hóa

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, có hiệu quả; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 10,1% (chỉ tiêu 10 - 12%). Giá trị sản xuất tăng bình quân: nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ… đều cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu. Thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện đến năm 2020 là 77,8 tỷ đồng (không tính các khoản ghi thu, ghi chi, đóng góp xây dựng nông thôn mới).

Là huyện miền núi, Đảng bộ huyện Tuyên Hóa xác định ưu tiên cho lĩnh vực nông – lâm – thủy sản. Cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 53% trong nông nghiệp. Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, bước đầu đạt kết quả tốt. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng bền vững, trồng rừng kinh tế phát triển mạnh; công tác khoanh nuôi phục hồi, chăm sóc, bảo vệ rừng được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng  trên 1.000ha, giá trị thu được trên 50 tỷ đồng. Duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 75%, đạt chỉ tiêu đề ra.

Xây dựng nông thôn mới Tuyên Hóa cũng đạt nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ 2015-2020. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo. Tranh thủ các chương trình, dự án, huy động tốt các nguồn lực xây dựng 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự ước đến hết năm 2020 có 08 xã đạt chuẩn (chỉ tiêu 06 xã); đến nay, toàn huyện có 280 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 15,55 tiêu chí/xã (tăng thêm 99 tiêu chí mới so với năm 2015).

Công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính và hệ thống chính trị được nâng cao; đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được tăng cường. Các cấp ủy đảng đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, các cấp ủy đảng triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7, Trung ương 8 (khóa XII) và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới ban hành, gắn với tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công tác phát triển Đảng được chăm lo, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được hàng trăm Đảng viên mới, nâng tổng số Đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện lên 5.800 Đảng viên.

Điều phấn khởi là nhiều mô hình trong Phong trào thi đua Dân vận khéo đã thực sự phát huy hiệu quả, như “Xã bình yên, gia đình hoà thuận” ở xã Thanh Thạch; “Tổ liên gia tự quản” ở thôn Cao Cảnh (xã Cao Quảng), “Bản bình yên” (xã Lâm Hóa); mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở thị trấn Đồng Lê, xã Sơn Hoá, xã Thanh Thạch, Phòng Tài nguyên - môi trường; mô hình “Bát cháo tình thương”, “Tủ áo quần tình thương” của Bệnh viện đa khoa huyện; mô hình giúp đỡ các thôn, bản khó khăn của các cơ quan, đơn vị cấp huyện; mô hình kết nghĩa giữa các tổ chức đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị cấp huyện với các đoàn cơ sở nông thôn những nơi khó khăn, hạn chế...

Tuy nhiên, đến nay Tuyên Hoá vẫn nhìn thẳng vào thực tế là huyện có trình độ phát triển còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Bình. Kinh tế phát triển chưa mạnh, chưa bền vững; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của huyện. Kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể; công tác xây dựng Đảng có mặt còn hạn chế.

Vững tin bước tới tương lai

Trong nhiệm kỳ tới, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Huyện ủy Tuyên Hóa xác định phải chú trọng, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong cấp uỷ, chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, sự đồng thuận của Nhân dân là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính. Chú trọng việc huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; trong đó xác định phát huy nội lực có ý nghĩa quyết định để đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Xác định và tập trung cao cho những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, khâu khó, việc yếu; thực hiện quyết liệt những khâu đột phá gắn với xử lý dứt điểm các vấn đề còn bất cập, nổi lên.

Nông lâm thủy sản là lợi thế và cùng là lĩnh vực trụ cột của Tuyên Hóa
Nông lâm thủy sản là lợi thế và cùng là lĩnh vực trụ cột của Tuyên Hóa

Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh; thường xuyên nắm chắc tình hình, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Huyện xác định những thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường, các loại dịch bệnh, nhất là hậu quả do đại dịch Covid-19 toàn cầu sẽ còn ảnh hưởng nhất định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các điều kiện nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chậm đáp ứng yêu cầu; an ninh trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền có mặt còn hạn chế.

Những kết quả đã được trong nhiệm kỳ 2015-2020 là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền huyện Tuyên Hóa tiếp tục đề ra các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025, như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm 11-12%; Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đến 2025 đạt 650 tỷ đồng; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng: 1.190 tỷ đồng; ; Thương mại - dịch vụ: 1.985 tỷ đồng; Sản lượng lương thực bình quân hằng năm 18.000 tấn; Thu ngân sách trên địa bàn: 100 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm; có 13/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,2%...

Tuy còn không ít khó khăn, thách thức trước yêu cầu phát triển mới, nhưng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Tuyên Hóa phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Lê Tùng