Cuộc hội ngộ ngẫu hứng đầy cảm xúc

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 07:00 - Chia sẻ
“Thép và vải”, lạ mà quen, một cuộc hội ngộ ngẫu hứng đầy cảm xúc của hai phụ nữ yêu nghệ thuật bằng cả cuộc đời; cũng là cuộc hội ngộ của hai chất liệu, một thật đanh chắc, một thật mềm mại, trong cùng không gian đầy sự sẻ chia và nữ tính.

Vào một ngày mưa như trút nước và cái lạnh vẫn còn thấu da của mùa đông năm ngoái, tôi đến chơi với nhà điêu khắc Lê Thị Hiền sau rất nhiều năm không gặp gỡ. Chị bảo, chị chuẩn bị triển lãm đây, cảm giác hào hứng như bừng lên sau câu nói đó, mặc cho nhân duyên và cơ hội không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bẵng qua mùa dịch Covid-19, mọi kế hoạch dường như tan vỡ, thì họa sĩ Trần Thanh Thục gọi điện cho tôi bảo “Thép và vải” em ạ, thấy thú vị không! Chỉ nghe vậy thôi mà tôi như lập tức thấy được niềm vui của hai người phụ nữ làm nghệ thuật dẫu khác biệt nhau trên mọi phương diện từ chất liệu đến cách tư duy, được cùng vẫy vùng, chia sẻ. Còn tôi như được tham dự vào đó trong một mối tâm giao đầy phấn khích.


Ban mai, tranh của Trần Thanh Thục

Sự rắn rỏi đầy nữ tính

Với Lê Thị Hiền, tôi hay bảo “em là fan của chị”, bởi tôi không chỉ thích cách làm việc mà còn đặc biệt mê những tác phẩm của chị từ màu sắc cho đến biểu tượng, cảm xúc ẩn tàng trong sự khép mở của các khối hình. Dõi theo chị nhiều năm, tôi học được nhiều và cũng được thấy các thiết kế điêu khắc của chị chuyển đổi từ tam giác sang đến vuông, rồi chúng lại như nhập vào nhau trong những điệp khúc mới. Có lẽ điều làm tôi cảm thấy thú vị nhất với những tác phẩm của chị chính là tính tự do trong tư duy về những chuyển động thay đổi. Điêu khắc là khối, là không gian nhưng với chị điêu khắc lại không tĩnh, không đứng im mà nó vận hành theo nhịp điệu của cảm xúc. Mỗi modun chị tạo ra vừa có thể đứng đơn lẻ như điêu khắc tự thân vốn có, nhưng cũng có thể ghép lại thành một tổ hợp mà ở đó tính nối tiếp dường như liên tục.

Không hiểu sao, mỗi lần ngắm nhìn các tác phẩm của chị, tôi lại như nghe được tự vấn của bậc thầy hội họa Mondrian: “Liệu đường thẳng có nên dừng lại?” và mường tượng ra rằng chị sẽ đặt một câu hỏi tương tự trong quá trình làm tác phẩm như “liệu đường gãy góc có nên tiếp tục?”. Tôi cũng hình dung ra cách người đàn bà kiệm lời trong những tác phẩm điêu khắc này, hí hoáy với trò chơi gập bẻ những tấm bìa phác thảo để sau đó tái hiện lên thép. Đó là lúc cảm xúc vượt lên ranh giới của lý trí, cái thực và cái trừu tượng như hòa vào nhau.

Có thể nói, bên cạnh sự trao gửi cảm xúc tinh tế qua từng nét gấp, ở các phẩm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền còn thể hiện tính chính xác trong kỹ thuật. Điều mà không dễ dàng có được nếu không có bề dày kinh nghiệm về tạo hình. Tính cân bằng đa chiều được chị chú trọng để phục vụ đam mê xoay chuyển không ngừng trong những lần bày đặt tác phẩm. Bởi vậy nên, dẫu điêu khắc của chị rất đơn giản, kiệm lời, mà như chất chứa ở trong đó vô số thông điệp. Với tôi, chúng thường gợi nên nhưng suy nghĩ xa xôi về triết lý sống. Trong cái vuông vắn tưởng như chằn chặn bên ngoài là những gập ghềnh dữ dội bên trong mà chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận hết, đặc biệt là đàn bà. Thép với Lê Thị Hiền không chỉ là một chất liệu mà còn là sự rắn rỏi đầy nữ tính là như vậy.


Tác phẩm điêu khắc của Lê Thị Hiền

Lối tạo hình tài tình

Ở một thái cực khác, dường như các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục lại bộc lộ ngay ra tư chất của một người phụ nữ dịu dàng. Mon men đến triển lãm của chị từ hồi còn là sinh viên, tôi cứ ấn tượng mãi về lối tạo hình tài tình của họa sĩ chỉ cắt vải mà có thể tạo nên được những bức tranh như vẽ với đủ đầy sắc thái. Thế rồi cũng được đến xưởng họa của chị để chiêm ngưỡng tận mắt những tác phẩm hình thành nên như thế nào. Ngắm chị đắm mình trong đống vải, lần mò từng li, từng tí những mẩu họa tiết, lựa chọn sắc vải, tông màu, mới biết tranh của chị công phu ra sao.

Chị bảo “cái gì cũng có hết trên vải em ạ” khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Từ cái nhà đến cái cây, rồi bông hoa, ngọn cỏ, thậm chí đám mây, vệt sáng đều có thể tìm thấy, cắt ra từ các tấm vải đủ chủng loại. Ấy thế nhưng nếu để biến cái có sẵn đó thành những bức tranh đúng nghĩa thì lại không hề đơn giản. Hàng chục lớp vải xếp tầng lớp chỗ thì phẳng, đoạn gồ ghề, tùy theo cảm xúc cũng như tùy theo đề tài. Đôi chỗ ta có thể bắt gặp chi tiết này rất quen, nhưng vào tranh của chị lại có gì đó lạ lẫm. Không có bất cứ nét cọ nào được vẽ lên, nhưng trong hầu hết tác phẩm, ánh sáng và không gian lại đúng như được vẽ ra, được pha màu, được nhấn nhá một cách đáng nể phục.

Dẫu rằng chị bảo tranh của chị hầu như không có phác thảo, ngẫu hứng là một thế mạnh trong việc chọn nền, chọn vải, chọn hiệu ứng khi chồng xếp các lớp lên nhau để bắt đầu một tác phẩm, nhưng tôi lại cảm thấy dường như cả hai chị có một trực giác cực kỳ chính xác. Cái ngẫu hứng trong việc bẻ một nếp gấp trong điêu khắc của Lê Thị Hiền cũng như việc đặt một lớp nền khó có thể thay đổi trong tranh Trần Thanh Thục ngay từ đầu đã quyết định thành bại của tác phẩm. Những lớp keo trong suốt và cái kỳ công để tạo ra độ phẳng ưng ý cũng là điều mà chị phải tích luỹ sau hàng chục năm làm tranh vải. Và, trên cái nền đầy biểu cảm đó, những sắc thái cảnh vật và con người như được hiện dần lên, xa hay gần, thực hay ảo, đa dạng đến khôn cùng. Họa tiết dẫu “có sẵn” trong ngút ngàn đống vải nhưng nếu không có tâm hồn và bàn tay của người đàn bà đa cảm thì câu chuyện của những bức tranh đầy công phu ấy cũng không được kể ra.

“Thép và vải” của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục tưởng chừng ngẫu hứng mà lại như thể nhân duyên không hẹn mà gặp, không định mà nên. Quyết liệt mà nữ tính, cầu toàn mà lại vô cùng phóng khoáng đã kết họ lại với nhau trong cuộc trò chuyện đầy sự sẻ chia.

Nhà phê bình mỹ thuật
Trang Thanh Hiền

__________

* Triển lãm “Thép và vải” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 26 - 31.5