Vai trò của các Ủy ban trong quá trình Lập pháp ở nghị viện một số nước

Cơ sở để Nghị viện thảo luận

- Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:42 - Chia sẻ
Thông thường, giai đoạn xem xét dự luật tại ủy ban được thực hiện với các bước cơ bản: Nghiên cứu, tìm kiếm thông tin; thảo luận những nội dung cụ thể; biểu quyết thông qua báo cáo của ủy ban về dự án luật. Báo cáo của ủy ban về dự án luật được xem là cơ sở để Nghị viện thảo luận trong quá trình xem xét thông qua dự luật.

Nghiên cứu, tìm kiếm thông tin

Bước đầu tiên trong giai đoạn xem xét dự luật tại các ủy ban là tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về dự án luật. Ở bước này, các ủy ban ở hạ viện Mỹ thường tìm kiếm thông tin về dự luật trước hết từ các bộ, ngành có liên quan, đồng thời, gửi dự thảo luật cho Văn phòng Kiểm toán của Quốc hội, kèm theo yêu cầu cơ quan này phải có một báo cáo chính thức về sự cần thiết và những yêu cầu đối với việc ban hành dự luật đó.

Ở Canada, ủy ban có thể dựa vào nội dung của dự luật để tiến hành các cuộc điều trần, thu thập thông tin, mời các cá nhân có liên quan đến dự án luật đến để trình bày; khi đó, các bộ trưởng, các chuyên gia, đại diện công chúng có mặt như là những “nhân chứng” tham gia điều trần trước ủy ban. Sau khi đã hoàn tất các phiên điều trần, ủy ban thường tổ chức phiên họp nhằm xem xét, đánh giá về dự luật. Tại phiên đánh giá, quan điểm của cả hai phía được đưa ra nghiên cứu một cách chi tiết và khi kết thúc thảo luận, tiểu ban sẽ biểu quyết để quyết định ủng hộ hoàn toàn hay ủng hộ với điều kiện cần có những sửa đổi, bổ sung đối với dự luật; không tán thành với dự luật.

Thảo luận nội dung cụ thể

Ủy ban xem xét, thảo luận về các nội dung cụ thể của dự luật. Ở Thụy Điển, ủy ban thường mời các chuyên gia và các đại diện của các tổ chức khác nhau tham dự để thu nhận thêm thông tin và tiếp thu ý kiến.
Các cuộc thảo luận về dự luật tại các ủy ban của Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga có sự tham gia của chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan mà dự luật được gửi đến để lấy ý kiến. Báo cáo thẩm tra phải trả lời được các câu hỏi như: Dự luật có phù hợp với Hiến pháp, các văn bản pháp luật hiện hành không; bố cục, cơ cấu dự luật có phù hợp không, có mâu thuẫn giữa các điều luật không, nếu có thì Báo cáo thẩm tra phải đề xuất biện pháp xử lý; danh mục các văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực, cần sửa đổi, bổ sung.

Ở Nhật Bản, giai đoạn ủy ban thường kéo dài hơn rất nhiều so với giai đoạn xem xét tại phiên họp toàn thể. Ủy ban có thẩm quyền khá lớn như bác bỏ dự luật bằng quyết định dự luật không thể trình nghị viện. Về nguyên tắc, quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự luật không bắt buộc phải theo ý kiến của ủy ban nhưng do quá trình thẩm tra được tiến hành công phu, có sự tham gia của các chuyên gia nên ý kiến của ủy ban thường được chấp nhận.

Biểu quyết thông qua

Ở bước này, ủy ban tiến hành biểu quyết thông qua báo cáo của ủy ban về dự luật hoặc biểu quyết để quyết định nội dung của báo cáo mà toàn thể ủy ban sẽ trình nghị viện. Thông thường, ở các nước theo chính thể đại nghị như Canada hoặc hỗn hợp như Pháp, ủy ban không có quyền bác bỏ các dự luật do Chính phủ trình mà chỉ thể hiện ý kiến của mình về dự luật để trình ra nghị viện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, ở Mỹ, ủy ban có thẩm quyền rất lớn khi có quyền biểu quyết về dự luật để trình ra nghị viện. Trường hợp ủy ban biểu quyết tán thành dự luật, ủy ban có thể trình Hạ viện dự luật mà không có sửa chữa nào hoặc trình báo cáo về dự luật gốc cùng với một bản sửa đổi có tính chất như một bản thay thế, bao gồm tất cả những điểm sửa đổi đã được ủy ban thông qua trước.

Thông thường, báo cáo của ủy ban là cơ sở để Nghị viện tiến hành thảo luận khi xem xét thông qua dự luật. Như ở Thụy Điển, báo cáo của Ủy ban sẽ nhấn mạnh những vấn đề cần thảo luận trong dự luật. Ở Mỹ, các báo cáo của ủy ban có thể được xem là một trong những tài liệu có giá trị nhất trong quá trình xem xét thông qua một dự luật. Các báo cáo này được các tòa án, các cơ quan Chính phủ và công chúng tham khảo như một nguồn thông tin về mục đích, ý nghĩa của dự luật. Tuy nhiên, ở một số nước như Cuba, Đan Mạch, Ấn Độ… các dự thảo ban đầu lại được xem là cơ sở thảo luận chính, còn các báo cáo của ủy ban chỉ là những kiến nghị về các vấn đề cần sửa đổi.

Ngọc Khánh