Chính sách và cuộc sống

Cơ hội mở ra

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:21 - Chia sẻ
Ứng phó của ngành y tế nước ta với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) cho đến giờ phút này không chỉ khiến người dân cảm thấy yên tâm, tin tưởng mà còn cả tự hào về thành công của giới nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Ngày 7.2, virus nCoV được nhận diện thông qua hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) ở phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Với kết quả này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập được virus nCoV, qua đó tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm nCoV. Hiện có ít nhất 2 nhóm nghiên cứu đang chạy đua chế tạo, sản xuất bộ kit xét nghiệm virus corona “made in Việt Nam” theo đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ. Nếu không có gì thay đổi, cuối tuần này sản phẩm đầu tiên có thể “ra lò”, khi đó, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm.

Không quá lời nếu nói rằng trình độ y khoa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và thậm chí vượt xa hơn một số  nước trong khu vực. Điều này một lần nữa được chứng thực khi dịch nCoV xuất hiện. Và với năng lực của ngành y, với uy tín tăng cao trong việc ứng phó với các dịch bệnh toàn cầu, có lẽ giờ là thời điểm Việt Nam nên đưa ra các bước đi chiến lược để phát triển du lịch y tế.

Du lịch y tế được hiểu là những người đi đến một đất nước khác để được chăm sóc, điều trị y tế kết hợp với du lịch nếu bệnh tật không nghiêm trọng. Trước đây khi nói đến du lịch y tế, người ta thường nghĩ đến việc những người từ các nước kém phát triển sang các trung tâm y tế lớn ở các nước phát triển để được hưởng các dịch vụ y tế cao cấp, hay những phác đồ điều trị phức tạp mà ở nước họ không có. Tuy vậy những năm gần đây, du lịch y tế lại được hiểu là những người ở những nước phát triển sang các nước đang phát triển để được điều trị, chăm sóc y tế với mức chi phí thấp hơn, hoặc để nhận được các dịch vụ y tế không có sẵn hoặc bị cấm tại nước họ.

Sự cải thiện đáng kể trong công nghệ, trình độ y khoa và tiêu chuẩn chăm sóc y tế ở nhiều nước đang phát triển cũng như việc đi lại giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng, ít tốn kém hơn là những yếu tố đang và sẽ giúp du lịch y tế phát triển mạnh mẽ. Theo phân tích của Grand View Research, quy mô của thị trường du lịch y tế năm 2018 là 36,9 tỷ USD nhưng sẽ tăng lên 276 tỷ USD vào năm 2026. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo du lịch y tế sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm. 

Ngay ở Đông Nam Á, du lịch y tế cũng đang phát triển bùng nổ vì các nước trong khu vực cung cấp nhiều dịch vụ y tế với chi phí cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tốt, lại có các hòn đảo, bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực và văn hóa đa dạng - rất phù hợp để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe sau điều trị. Mỗi năm, các bệnh viện ở Thái Lan đón khoảng 550 nghìn du khách đến điều trị và chăm sóc y tế. Các du khách không chỉ chi tiêu cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà còn cho các hoạt động du lịch khác như ăn uống, mua sắm, lưu trú… và mang về cho đất nước này hàng trăm tỷ bath mỗi năm.

Một số ước tính cho thấy, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp với du lịch tăng dần qua các năm với doanh thu tính theo năm ở khoảng 2 tỷ USD. Nhu cầu khách nước ngoài muốn đến Việt Nam du lịch và trải nghiệm các dịch vụ về nha khoa, điều trị vô sinh (IVF), đông y, tham gia các khóa thiền, yoga, thể dục dưỡng sinh, spa tắm khoáng, cai thuốc lá, giảm cân… là rất lớn. Tuy vậy du lịch y tế ở nước ta hiện vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng. Trong bối cảnh dịch nCoV có thể gây thiệt hại cho ngành du lịch 2,3 - 5 tỷ USD theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành y tế nước ta lại một lần nữa chứng tỏ được năng lực và uy tín trong ứng phó với dịch bệnh toàn cầu. Chính phủ cần sớm tính toán và đưa ra những bước đi chiến lược nhằm phát triển du lịch y tế khi đã đẩy lui dịch nCoV.

Cẩm Phô