Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Đồng Lộc” năm 2020

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 22:25 - Chia sẻ
Tối 26.7, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7.2020), kỷ niệm 52 năm Chiến thắng lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và tưởng nhớ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, tại Tượng đài chiến thắng - Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Đồng Lộc” năm 2020.

Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại chương trình

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh...

Phát biểu khai mạc Chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, cách đây 52 năm, tại Ngã ba Đồng Lộc, đế quốc Mỹ đã liên tục đánh phá ác liệt với gần 1.900 lượt ném bom, hơn 50.000 quả bom các loại, mỗi mét vuông nơi đây phải oằn mình hứng chịu 3 quả bom tấn. Dù không một cây cỏ nào sống sót bởi bom cày, đạn xới, nhưng với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hàng vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và Nhân dân địa phương đã cùng vượt bom đạn và những vất vả, thiếu thốn. Ngày phơi mình dưới nắng bỏng da, cháy thịt để lấp hố bom, san đường mở lối; đêm về thay phiên nhau làm “cọc tiêu sống” điều hành, cảnh giới cho những đoàn xe ra mặt trận. Tiêu biểu là 10 nữ Thanh niên xung phong sống cùng chung tiểu đội, hy sinh cùng chung một địa danh bất tử. Các Chị ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi trinh trắng; máu xương của các chị hòa vào đất thiêng Đồng Lộc; máu đào của các Chị cùng bao anh hùng liệt sỹ trên mảnh đất này đã hóa thành hồn thiêng sông núi, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, viết nên một huyền tích Đồng Lộc anh hùng.

Các đại biểu dự Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Đồng Lộc”

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ, 52 năm trôi qua, Chiến thắng Đồng Lộc vẫn là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam; thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tin tưởng, lạc quan, xả thân vì nước, vì dân lên trên hết, trước hết; là khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, của phụ nữ Việt Nam anh hùng; biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, tình quân - dân gắn bó keo sơn; khát vọng hòa bình với chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Đồng Lộc chính là "một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác" đã, đang và mãi mãi là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh, quân và dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ban tổ chức trao quà đóng góp Quỹ học bổng Lam Hồng và xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc

Phát biểu tại Chương trình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành bất tử. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bởi tầm quan trọng chiến lược của một ngã ba huyết mạch trên tuyến đường vận chuyển lương thực, súng đạn, vũ khí... từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam, Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, nơi đế quốc Mỹ liên tiếp dội bom hòng cắt đứt mạch máu giao thông. Dù bị đánh phá nhưng hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và Nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến. Hàng trăm người đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, cống hiến tuổi xuân cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.  52 năm đã trôi qua, những hình ảnh chiến tranh ngày càng lùi xa nhưng sự hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ cùng lực lượng thanh niên xung phong và hàng nghìn chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ giao thông... mãi mãi, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Tưởng nhớ và tri ân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân mãi mãi ghi nhớ và khắc sâu trong tim công lao to lớn của các Lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu, trí tuệ, tài năng, công sức, của cải cho các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, làm nên Tổ quốc thân yêu hôm nay.

Để thực hiện thành công mục tiêu lên thành công mục tiêu đến năm 2020 tất cả các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú mà Chỉ thị 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã đặt ra, thể hiện nhất quán chủ trương công tác chăm sóc người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chứ đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đối với công tác người có công. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngon lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Tri ân, Hà Tĩnh quê mình và Việt Nam - tự hào ta đi lên. Với Chương I, chương trình đã tái hiện hình ảnh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc kiên cường, dũng cảm, đã hy sinh thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Chương II là các tiết mục ca ngợi đất và người Hà Tĩnh, nghĩa tình, thủy chung, bất khuất, anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Chương III thể hiện niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa tại  Nhà bia thanh niên xung phong, tỉnh Hà Tĩnh

Trong khuôn khổ Chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng sổ tiết kiệm cho đại diện thân nhân gia đình 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; trao 20 phần quà cho các gia đình chính sách; đóng góp 100 triệu đồng vào Quỹ học bổng Lam Hồng và 100 triệu đồng để xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc.

Trước đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Chương trình đã dâng hương, dâng hoa tại Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong và Nhà bia thanh niên xung phong, tỉnh Hà Tĩnh.

Trung Thành