Chứng nhận lưu hành tự do mỹ phẩm nhập khẩu không còn ý nghĩa quản lý thực tiễn

- Thứ Ba, 14/07/2020, 13:47 - Chia sẻ
Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia tại “Hội thảo về quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp” do Vụ pháp chế và Cục quản lý dược, Bộ Y tế phối hợp tổ chức trong sáng 14.7
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Nếu so sánh toàn cầu, thị trường mỹ phẩm của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng. Dân số thuộc tầng lớp trung lưu Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng lên 33 triệu vào năm 2020. Năm nay, theo dữ liệu từ Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại London: thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỷ USD.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, mức chi của người tiêu dùng Việt Nam cho mỹ phẩm chưa nhiều, bình quân chỉ 4 USD một người mỗi năm, trong khi Thái Lan là 20 USD. Chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam đang nỗ lực giành lại thị trường có doanh thu hấp dẫn này. Chính điều này khiến thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất tiềm năng cho các hãng khai thác và củng cố sức mạnh.

Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Th.S Đinh Thị Thu Thủy cho hay, mỹ phẩm đang trở thành một sản phẩm không thể thiếu của mỗi cá nhân cũng như gia đình. Năm 2016, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có một cuộc khảo sát liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm của người dân, và kết quả cho thấy người dân sử dụng mỹ phẩm tăng lên 30%, số người không sử dụng mỹ phẩm đã giảm từ 24% năm 2016 xuống còn 14% trong năm 2019. Điều đó cho thấy, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân Việt Nam ngày càng tăng và số lượng mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như các CFS (Giấy chứng nhận lưu hành tự do hàng hóa xuất, nhập khẩu) công bố mỹ phẩm nhập khẩu ngày càng gia tăng nhiều hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp CFS, mất nhiều thời gian và chi phí cho việc này trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể xin được CFS theo đúng quy định, từ đó dẫn tới doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh hoặc bị chậm so với thị trường, không theo kịp xu hướng,...

Theo Thông tư Quy định về quản lý Mỹ phẩm số 06/2011/TT-BYT và Luật quản lý ngoại thương 2017, Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.

Điều 10.3, Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định, CFS phải có tối thiểu các thông tin sau: Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS; Số, ngày cấp CFS; Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS; Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS; Tên và địa chỉ của nhà sản xuất; Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS;  Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.

Theo Chủ tịch Chi hội mỹ phẩm, Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu mỹ phẩm Việt Nam, Trần Thị Phương Mai cho biết: các doanh nghiệp mỹ phẩm đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định hiện hành của Việt Nam. Cụ thể như: Luật quy định CFS phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, tuy nhiên tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức,… CFS lại do các Hiệp hội tổ chức cấp; Một số quốc gia không sử dụng dấu hay chữ ký khi cấp CFS; Nhiều doanh nghiệp thương mại không trực tiếp sản xuất hàng hóa mà thuê ngoài… Việc xin cấp CFS mất quá nhiều thời gian cũng gây trở ngại cho quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cũng theo bà Phan Thúy Quỳnh, đại diện Chi hội mỹ phẩm, Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu mỹ phẩm Việt Nam, hiện nay hầu hết khối châu Âu không có quy định, yêu cầu về CFS, một số quốc gia như Isael, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc dảo Sip, CFS do nhà sản xuất và không cần hợp pháp hóa lãnh sự. Mỹ và Canada không yêu cầu CFS, các nước Nam Mỹ cũng đã bỏ CFS từ cuối năm 2019. Châu Á Thái Bình Dương, Nhật Bản, Úc, New Zealand cũng không yêu cầu CFS. Tại ASEAN chỉ còn 3/10 nước yêu cầu CFS là Việt Nam, Lào, Campuchia.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo, yêu cầu về CFS không còn có ý nghĩa quản lý thực tiễn vì không giúp quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm. Đậy chỉ là một thủ tục hành chính đơn thuần để hạn chế việc nhập khẩu. Việc quản lý mỹ phẩm cần tập trung vào hậu kiểm theo đúng tinh thần của Asean và châu Âu. Việc Bộ Y tế rà soát lại quy định, xem xét giá trị thực tiễn và tái động của quy định này để quyết định thay đổi trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp với Luật Ngoại thương và Nghị định và tinh thần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp của Chính phủ.

Xuân Tùng