Góc nhìn

Chưa đủ tin cậy?

- Thứ Hai, 11/05/2020, 08:08 - Chia sẻ
Trước xu hướng các trường đại học (ĐH) xét tuyển bằng điểm học bạ THPT ngày càng nhiều, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lưu ý, địa phương và các trường cần quan tâm đến chất lượng, bởi có những vùng học bạ rất tốt nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Điểm học bạ cao vút trong khi điểm thi tốt nghiệp lại thấp thì sẽ ràng buộc trách nhiệm đối với lãnh đạo cơ sở giáo dục phổ thông đó”. Rõ ràng, chất lượng điểm học bạ vẫn là điều đáng bàn.

Nếu như năm 2018, thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ chiếm 18%, thì năm 2019 tăng lên gần 30%. Dự đoán, năm 2020, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng, do quyền tự chủ ngày càng mở rộng, các trường cũng muốn tạo thuận lợi cho thí sinh trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy việc xét tuyển bằng học bạ sẽ giúp các trường dễ tuyển hơn và hạn chế chi phí tuyển sinh nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế bởi mức độ tin cậy về chất lượng thực qua điểm học bạ hiện nay chưa cao. Bởi các trường phổ thông khác nhau, các địa phương khác nhau, các thầy cô khác nhau khiến việc đánh giá cũng không giống nhau; hoặc tình trạng một số trường phổ thông không quá khắt khe khi đánh giá, cho điểm học sinh.

Ngay trong việc sử dụng kết quả học bạ THPT của trường cũng rất đa dạng: Có trường yêu cầu 3 năm phải đạt loại khá, giỏi, hạnh kiểm tốt; có trường chỉ sử dụng kết quả năm lớp 12; có trường dùng kết quả 5 học kỳ; có trường dùng kết quả 3 môn trong tổ hợp xét tuyển; có trường dùng kết hợp kết quả học bạ với điểm thi THPT quốc gia... Năm nay, đặc thù là thời gian dạy và học online khá nhiều, giáo viên cũng tiến hành giao bài tập để học sinh lấy điểm miệng, điểm 15 phút, 1 tiết theo các quy định về đánh giá học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, nếu học sinh làm bài kiểm tra ở nhà thì có thể nhờ người khác làm giúp, hoặc tìm kết quả trên mạng, hay sao chép đáp án từ bạn bè. Vì thế, điểm kiểm tra thường xuyên không phản ánh đúng thực lực. Nếu xét tuyển bằng học bạ lớp 12 có thể không công bằng cho học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lấy chất lượng thí sinh làm tiêu chí hàng đầu khi tuyển sinh thì cần cân nhắc, tránh chỉ dùng điểm học bạ làm căn cứ xét tuyển. Thực tế không thể phủ nhận là có chênh lệch đáng kể về năng lực học tập giữa phương thức xét học bạ so với xét điểm Kỳ thi THPT Quốc gia của những năm trước. Đại diện Trường ĐH Nha Trang cho biết, qua 2 năm triển khai xét tuyển bằng học bạ, khoảng 20% sinh viên nhập học nghỉ học hoặc bị đuổi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 - 2 học kỳ đầu, trong đó có hơn 1.000 sinh viên xếp loại yếu kém. Một trong những nguyên nhân chính là do sinh viên sau khi trúng tuyển không theo kịp chương trình học.

Điểm học bạ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đánh giá năng lực của học sinh và để “ràng buộc trách nhiệm” cũng không đơn giản. Bởi học bạ là kết quả của mười mấy môn học. Nếu xử lý trách nhiệm thì thuộc về ban giám hiệu nhà trường hay giáo viên trực tiếp giảng dạy? Nếu những bài kiểm tra, bảng điểm… là minh chứng rõ ràng nhất thì quy trách nhiệm thế nào, nếu các địa phương, các trường THPT cho rằng không phải do điểm học bạ không trung thực mà do đề thi của Bộ ra khó?...

Để tránh đối mặt với rủi ro lớn về chất lượng đầu vào, các trường nên mở rộng phương thức tuyển sinh, xem việc xét học bạ chỉ như sơ tuyển (trừ đối tượng học sinh giỏi ở các trường chuyên hoặc đoạt giải quốc gia, giải quốc tế thì có thể tuyển thẳng) làm cơ sở để tuyển sinh.

Chi An