Chính sách và cuộc sống

Chống thất thoát tài sản quốc gia

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:16 - Chia sẻ
Thất thoát nghiêm trọng tài sản công thể hiện trong các vụ tham nhũng đất đai, bán rẻ tài sản nhà nước, thua lỗ trong dự án đầu tư công của doanh nghiệp nhà nước; lãng phí trong chi tiêu công là nỗi lo lớn được cử tri phản ánh tới Quốc hội trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV.

Cụ thể, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân nêu rõ cử tri còn lo lắng về tình trạng lãng phí trong đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để khắc phục những biểu hiện lợi ích nhóm, những lỗ hổng trong đấu thầu, mua sắm, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các vi phạm.

Những lo ngại và đề xuất đó là hoàn toàn xác đáng. Ngay trong ngày Quốc hội khai mạc, tại Đà Nẵng, phiên tòa xét xử vụ án “Út trọc” đang diễn ra cho thấy thêm bằng chứng thực tiễn tài sản quốc gia đang bị thất thoát nghiêm trọng như thế nào. Kịch bản quen thuộc được sử dụng trong vụ án “Vũ nhôm” được lặp lại nguyên bản trong vụ việc này: Quan chức - cụ thể ở đây là nguyên Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến - cố tình sai phạm tiếp tay cho “Út trọc” (Đinh Ngọc Hệ) mua rẻ tài sản đất quốc phòng. Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định thiệt hại tài sản của Nhà nước trong dự án liên quan đến 3 lô đất vàng ở đường Tôn Đức Thắng, ngay trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh là 939 tỷ đồng.

Lập các doanh nghiệp “sân sau” rồi dùng các doanh nghiệp này, trên cơ sở tiếp tay từ các quan chức tham nhũng - để bán tài sản, chủ yếu là tài sản đất đai với giá rẻ đã trở thành kịch bản phổ biến để chiếm đoạt phi pháp tài sản nhà nước.

Từ Vũ nhôm đến Út trọc, rồi Thủ Thiêm và nhiều vụ việc khác, tài sản của Nhà nước bị thất thoát đều là con số nghìn tỷ đồng trở lên. Nếu đặt lên bàn cân so sánh, ngân sách cả nước phải thắt lưng buộc bụng để có 62 nghìn tỷ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19, Thủ tướng phải đề xuất chưa tăng lương của người lao động trong khu vực nhà nước - thì con số hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản công bị chiếm đoạt; hàng chục nghìn tỷ khác nằm trong các dự án đắp chiếu càng làm càng lỗ, thì sự phẫn nộ của cử tri cả nước gửi gắm đến Quốc hội là hoàn toàn hiểu được.

Mới đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, nguy cơ lớn với Đảng, đất nước là “lợi ích nhóm, tha hóa quyền lực, tham nhũng, lãng phí”. Yêu cầu cải cách thể chế tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh nhằm dọn sạch mảnh đất tham nhũng.

Trách nhiệm của Quốc hội tiếp tục là góp ý cho Chính phủ các giải pháp và tăng cường giám sát hệ thống hành pháp. “Công khai, minh bạch” cần tiếp tục là phương hướng hành động - cụ thể hóa yêu cầu công khai trong xây dựng thể chế pháp luật lẫn thực thi. Điều đó nằm ngay trong công việc hàng ngày của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội. Ví dụ, cơ chế đấu thầu công khai trong dự án mua sắm, mua bán tài sản công; đầu tư công cần được bảo đảm thực thi và trở thành trọng tâm giám sát của Quốc hội. Dù đó là đấu thầu vật tư y tế chống dịch Covid cũng cần đấu thầu công khai để tránh móc ngoặc, rút ruột ngân sách. Hay các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam - trong trường hợp cần thiết phải chuyển từ PPP sang đầu tư công cũng cần đấu thầu công khai chọn nhà thầu chứ nhất quyết không được chỉ định thầu. Và cả những dự án liên quan đến công sản sắp tới, ví dụ loại hình đầu tư theo phương thức BT (đổi đất lấy công trình hạ tầng) - mảnh đất màu mỡ của thất thoát tài sản đất đai và thực chất không phải là cơ chế PPP cần được đưa ra khỏi dự thảo Luật PPP.

Có làm được như thế, niềm tin của cử tri mới có thể yên tâm gửi gắm vào người đại biểu đại diện cho lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia.

Cẩm Phô