Chính sách và cuộc sống

Chất lượng thiết kế chính sách

- Chủ Nhật, 07/06/2020, 07:19 - Chia sẻ
Đề xuất cấm “phân lô, bán nền” trong dự thảo sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa đưa ra đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối. Dù sau đó, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia và bỏ đề xuất này, tuy nhiên câu chuyện này cũng cho thấy chất lượng đề xuất chính sách của các bộ là “có vấn đề”.

Cách đây chưa lâu, đề xuất của Bộ Công an chuyển việc tổ chức thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải về Bộ Công an cũng không nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp, chuyên gia và dư luận nói chung. Có thể kể ra danh sách dài các đề xuất khác như cấm bán bia, rượu sau 22 giờ đêm của Bộ Y tế; xe ô tô phải có bình cứu hỏa của Bộ Công an; tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đều bị phản ứng vì thiếu tính thực tế, tạo ra chi phí thực thi lớn cho doanh nghiệp, người dân trong khi lợi ích và hiệu quả thu được từ chính sách lại không rõ ràng. Bên cạnh việc chậm trễ khi ban hành chính sách (thể hiện qua việc các bộ “nợ” nghị định hướng dẫn thi hành luật), chất lượng các quy định rõ ràng là điều cần phải quan tâm và chú trọng nâng cao.

Hai trong số những lý do chính khiến đề xuất chính sách không tốt đó là việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia và đối tượng bị tác động chưa được quan tâm; cũng như công tác đánh giá tác động của quy định pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Đơn cử như trường hợp cấm phân lô bán nền nói trên, nếu những người làm chính sách thảo luận kỹ lưỡng với doanh nghiệp, chuyên gia, họ sẽ hiểu ngay việc một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lừa đảo người mua nhà không phải do sản phẩm phân lô, bán nền mà xuất phát từ việc thực thi pháp luật của chính quyền địa phương trong quản lý quy hoạch và xây dựng; từ lòng tham của doanh nghiệp sẵn sàng phạm pháp để đổi lấy siêu lợi nhuận; và cả từ sự dễ dãi và thiếu hiểu biết của người mua (hồ sơ pháp lý không đầy đủ vẫn “nhắm mắt” mua). Từ đó dẫn đến mục đích chính sách thì tốt (bảo vệ người mua, chống lừa đảo), nhưng công cụ chính sách đưa ra (quy định cấm) lại không phù hợp. Và nếu việc đánh giá tác động được thực hiện kỹ hơn, cơ quan quản lý sẽ biết được nếu cấm phân lô bán nền gây thiệt hại hay mang lại lợi ích ra sao cho ngành kinh doanh bất động sản. Rõ ràng, phản ứng dữ dội của các doanh nghiệp cho thấy, cơ quan làm chính sách không lường trước, không định lượng được quy định mình đưa ra ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp.

Các thiết chế giúp nâng cao chất lượng chính sách không phải là không có. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều yêu cầu khắt khe công việc đánh giá tác động của quy định (tức đánh giá RIA (regulatory impact asessment) và việc lấy ý kiến của đối tượng bị chính sách tác động. Tuy nhiên, cả cơ quan chủ trì xây dựng quy định là các bộ chuyên ngành, lẫn Bộ Tư pháp - cơ quan giám sát, nhìn chung đều chưa hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ này. Sâu xa hơn, việc đầu tư nhân sự giỏi, cán bộ chuyên môn tốt; đầu tư kinh phí lẫn thời gian làm việc nhiều hơn để có luật, nghị định, thông tư tốt vẫn chưa phải là thực hành phổ biến ở các bộ. Nhiệm vụ quản lý ngành, cấp phép kinh doanh, phê duyệt dự án dường như mới là ưu tiên lớn của các bộ, ngành so với công tác làm chính sách hay xây dựng các quy định pháp luật. Với tư duy và cách tiếp cận như vậy, khó có thể đòi hỏi có quy định tốt.

Dù vậy, như đã nói - điều kiện cần, là các thiết chế bảo đảm chất lượng đã có, điều kiện đủ còn lại nằm ở sự quan tâm của những người đứng đầu để bảo đảm thực hiện tốt các cơ chế nêu trên. Chỉ khi nào xây dựng chiến lược chính sách, xây dựng các quy định pháp lý tốt là ưu tiên hàng đầu trong công việc hàng ngày của các bộ (thay vì dự án, vì giấy phép) thì lúc đó, các quy định “trời ơi đất hỡi”, các sáng kiến chính sách “trên trời” mới không còn đất song.

Nguyễn Quang Đồng
Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông