Chính sách và cuộc sống

Chắc chắn và khả thi hơn

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:19 - Chia sẻ
Chỉ nửa năm sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đã hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới.

Việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia như vậy ở thời điểm này có rất nhiều thách thức bởi hầu hết địa bàn, đối tượng mà Chương trình hướng tới đều là vùng nghèo nhất, khó khăn nhất, là “lõi nghèo” của cả nước. Chính vì thế, yêu cầu quan trọng nhất đối với Chương trình là phải rõ ràng về mục tiêu, lộ trình, giải pháp và nguồn lực thực hiện. Tiếc rằng, Chương trình mà Chính phủ báo cáo tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như nhận xét của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn “còn đều đều, không có điểm nhấn”.

Bóc tách từng nội dung của Chương trình thì quả thực còn nhiều điều phải lo lắng về tính khả thi cũng như hiệu quả mà Chương trình có thể đem lại. Trong đó, một yêu cầu cốt lõi được Quốc hội nhấn mạnh trong Nghị quyết số 88 là xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn, nhu cầu đầu tư của Chương trình. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa kịp ban hành bộ tiêu chí này. Vì chưa có tiêu chí nên rất khó để nói rằng, các dự án, nguồn lực đầu tư của Chương trình có đúng và trúng không hay sẽ lại dàn trải, cào bằng như nhiều dự án, chính sách đầu tư khác đã và đang thực hiện. Cũng vì chưa có bộ tiêu chí nền tảng này nên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách khi tham gia thẩm tra Chương trình đã tỏ rõ sự lo ngại về tính trùng lặp và chồng chéo giữa Chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang thực hiện.

Về nguồn lực, theo Tờ trình của Chính phủ, chủ yếu là từ ngân sách trung ương với khoảng 105 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025, chiếm 76,24%, còn sự tham gia của nguồn vốn huy động hợp pháp khác là tương đối nhỏ. Khi Quốc hội thảo luận để ban hành Nghị quyết số 88 thì xác định giai đoạn 2021 - 2025, vốn đầu tư là 300.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 500.000 tỷ đồng, như vậy 10 năm là 800.000 tỷ đồng. “Tôi đi tiếp xúc cử tri, truyền đạt tinh thần Nghị quyết Quốc hội về đề án này rất mạnh mẽ nhưng hôm nay lại thấy giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 100.000 tỷ đồng, tức là bằng 1/3 thì làm sao làm được? Không cẩn thận việc này là thiếu tiền để thực hiện chính sách, dẫn đến “nợ” chính sách... Chúng ta đã có bao nhiêu bài học rồi, có những chính sách đến giờ chưa giải quyết được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cảnh báo.

Trong khi nguồn lực tài chính khó bảo đảm, chưa đồng bộ, đi theo các mục tiêu như vậy, lẽ ra, cơ quan hoạch định chính sách phải xác lập một nguyên tắc hàng đầu là chắt chiu từng đồng ngân sách để tập trung cho đầu tư phát triển, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân thì điều khó hiểu là, cơ cấu vốn thực hiện Chương trình lại tập trung nhiều hơn cho chi sự nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến vốn đầu tư phát triển là 50.629 tỷ đồng/vốn sự nghiệp là 54.324 tỷ đồng. Tỷ trọng kinh phí hỗ trợ các hoạt động chi thường xuyên như vậy không chỉ khá lớn mà còn không hợp lý vì chi thường xuyên chủ yếu đã được bảo đảm từ ngân sách hàng năm.

Có thể nói rằng, việc xây dựng và tới đây là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là rất khó, rất phức tạp và nhiều thách thức. Mấy chục năm vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách cụ thể dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn lực đầu tư không nhỏ nhưng hiệu quả - vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan trong triển khai thực hiện - còn hạn chế. Những kỳ vọng và yêu cầu đặt ra đối với Chương trình lần này, chính vì thế, càng lớn hơn và đau đáu hơn.

Chỉ ít ngày nữa, Kỳ họp thứ Chín sẽ khai mạc. Những vấn đề cần rà soát, cần giải trình, làm rõ hơn đối với các nội dung của Chương trình và từng dự án thành phần đều đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và mới đây là các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích cặn kẽ, yêu cầu rõ ràng. Từ sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, mà trước hết là Ủy ban Dân tộc trong việc triển khai rất nhanh việc xây dựng Chương trình vừa qua, hy vọng rằng, Chương trình báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới sẽ cụ thể hóa đầy đủ tinh thần, yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 88 để chúng ta có một Chương trình thực sự chắc chắn, thực sự khả thi. Bởi còn có một thách thức khác đối với Chương trình này, như Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã lưu ý “Nghị quyết của Quốc hội rất hay, mục tiêu rất rõ và quyết tâm chính trị rất cao, Quốc hội sẵn sàng, không đồng chí nào không ủng hộ, nhưng phải tổ chức thực hiện hiệu quả cho bà con. Chúng ta nói mà không làm được thì mất lòng tin, làm không ra gì cũng sẽ mất lòng tin”.

Lam Anh