Chính sách và cuộc sống

Cao tốc không miễn phí

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 06:54 - Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) đã được trình Quốc hội thảo luận ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín để có thể hoàn thiện các thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8.6 tới.

Rất nhiều kỳ vọng đã được các đại biểu Quốc hội chia sẻ trong phiên họp trực tuyến chiều ngày 20.5 về hai hiệp định này, đặc biệt là EVFTA. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hai hiệp định này tạo ra thời cơ vàng để Việt Nam vươn lên, gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong vài thập kỷ tới. Với tính chất là hiệp định thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất, tạo ra không gian thị trường có tiềm năng lớn nhất, có tính tương tác và bổ sung cao nhất đối với nền kinh tế nước ta cho đến thời điểm này, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), EVFTA sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ tái khởi động sau đại dịch toàn cầu Covid-19.

Dẫu vậy, các đại biểu cũng có chung một nỗi lo không mới: thời cơ đang đến nhưng chúng ta có tận dụng, phát huy được để biến thời cơ thành hiện thực hay không. Nói đây là “nỗi lo không mới” bởi nhìn lại hơn 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã ký được rất nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới nhưng lại có một điểm yếu chung trong việc biến cơ hội thành hiện thực, biến “lợi thế tĩnh” trên bàn đàm phán thành “trái ngọt” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Gần 2 năm trước, khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này, chúng ta đã kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ tràn vào thị trường các nước thành viên Hiệp định. Nhưng thực tế sau 1 năm, xuất khẩu hàng hóa nước ta vào các nước CPTTP chỉ tăng 7,2%, trong khi xuất khẩu chung của cả nước tăng 8,4%.

"Điều đó có nghĩa là, chúng ta chưa được hưởng lợi gì từ Hiệp định này", đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói thẳng. Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa tận dụng được những cơ hội của CPTPP trong năm đầu tiên thực hiện, nhưng một nguyên nhân quan trọng được đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ ra là, “chúng ta rất chậm trễ trong việc ban hành các văn bản pháp luật để bảo đảm thực hiện CPTPP và sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng chưa thật sự hài hòa”. Thực tế này khiến các đại biểu càng không thể không quan ngại bởi số lượng các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để thực hiện EVFTA không chỉ “khiêm tốn” như thống kê sơ bộ của Chính phủ mà còn bao gồm cả những văn bản phải sửa đổi, bổ sung để thực hiện CPTPP (nếu các kiến nghị sửa đổi pháp luật để thực hiện CPTPP được hoàn thành thì cũng bảo đảm để thực hiện EVFTA nên Chính phủ không nhắc lại các kiến nghị này trong danh mục các văn bản pháp luật cần sửa đổi để thực hiện EVFTA - PV).

Một điểm đáng mừng là đến nay, Chính phủ đã kịp chuẩn bị một bản dự thảo kế hoạch hành động thực hiện EVFTA để sau khi Quốc hội phê chuẩn thì các bộ, ngành có thể bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ được phân công. Bản dự thảo kế hoạch hành động này đã tập trung vào những lĩnh vực còn hạn chế khi triển khai các hiệp định vừa qua như truyền thông, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý… Dù vậy, bản dự thảo này cũng chưa thể khiến các đại biểu yên tâm. Ví dụ về hoàn thiện thể chế, một số luật cần phải xem xét, sửa đổi để thực hiện EVFTA hiện Chính phủ vẫn đang dự kiến trình Quốc hội trong năm 2021. Chúng ta có đẩy nhanh được tiến độ trình các dự luật này ra Quốc hội sớm hơn nữa hay không? Hoàn toàn có thể được nếu Chính phủ chuẩn bị kịp bởi Quốc hội luôn sẵn sàng tạo thuận lợi tối đa cho Chính phủ vì lợi ích chung của đất nước nhưng không thể làm thay công tác chuẩn bị này.

Con đường cao tốc kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế các nước châu Âu là hình ảnh thường được sử dụng khi nói về EVFTA, EVIPA. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đó không phải là đường cao tốc miễn phí. Vấn đề là chúng ta có thu được những kết quả tương ứng với khoản phí phải trả hay không? Có tận dụng được tối đa những tiềm năng, cơ hội vàng và có biến những nguy cơ, thách thức của hai hiệp định này thành cơ hội cho đất nước, cho doanh nghiệp Việt Nam hay không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Và chắc chắn, đó phải là hành động nhanh nhất, với quyết tâm cao nhất từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đến cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp.   

Nguyễn Bình