Bước tiến lớn của ngành y tế

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:05 - Chia sẻ
Hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đang là trọng tâm hoạt động trong giai đoạn hiện nay của ngành y tế. Việc hoàn thành kết nối thông suốt 1.000 điểm cầu là các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước với gần 30 bệnh viện tuyến trung ương là bước tiến lớn của ngành y tế khi thực hiện bao phủ y tế toàn dân.

1.000 điểm cầu khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Thực hiện Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 với quan điểm chủ đạo là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai kết nối các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở khám, chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Sau hơn 2 tháng kể từ ngày có hệ thống Telehealth đầu tiên, đến nay, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, việc hình thành các điểm cầu đã giúp nhiều ca bệnh phức tạp được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời mà không phải chuyển tuyến. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế… giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải. Thậm chí, người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Theo Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Phạm Xuân Viết, hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa ra đời là một bước tiến lớn của ngành y tế khi tích hợp các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với điều kiện và thực trạng của ngành y tế Việt Nam. Hệ thống không chỉ truyền tải hình ảnh, âm thanh thông thường mà còn kết hợp với các trang thiết bị y tế để lấy dữ liệu phục vụ cho công tác hội chẩn và điều trị.

Chia sẻ về việc ứng dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, các bệnh viện được kết nối đều cho rằng, cùng với việc mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín cho các cơ sở y tế tuyến dưới, để người dân yên tâm điều trị. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, việc phát triển phương pháp trao đổi, tư vấn giữa các thầy thuốc, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn những hướng chẩn đoán, điều trị là rất cần thiết.

Các điểm cầu được kết nối trực tuyến      

Hướng tới bao phủ y tế toàn dân

Biểu dương Bộ Y tế đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia qua việc xây dựng và triển khai Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa, tại buổi lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa diễn ra chiều 26.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mở rộng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế, giúp tạo nền tảng số cho ngành y tế trong việc lưu trữ tài liệu, dữ liệu cho các công trình nghiên cứu sâu hơn, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

Để hoàn thành mục tiêu mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước nhằm thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối quốc tế, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các đơn vị y tế cần tích cực, chủ động triển khai tốt chương trình khám, chữa bệnh từ xa, định kỳ phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý và phối hợp cùng các đơn vị công nghệ thông tin phát triển các nền tảng, ứng dụng, công cụ trực tuyến để bảo đảm phát triển chu trình khép kín cho khám chữa bệnh từ xa, việc chẩn đoán, tư vấn điều trị và bí mật thông tin, bảo vệ thông tin.

“Các thầy thuốc cũng cần phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn, triển khai tích cực chương trình khám, chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Bởi, thiết bị, công nghệ dù có tốt nhưng thầy thuốc chất lượng thấp thì cũng không thể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, để thực hiện Đề án hiệu quả và bền vững, cần phải làm thực chất, các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương đều phải quyết tâm thực hiện và phải coi nhau là đối tác để cùng nâng cao chuyên môn. Nếu phối hợp tốt, các bác sĩ tuyến dưới sẽ tự tin hơn, các ca bệnh khó, nặng đều có thể được điều trị khỏi tại địa phương. Từ đó, sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

Ngoài ra, để bảo đảm vận hành hệ thống ổn định trên toàn quốc, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Hiểu Lam