Bước phát triển đột phá

- Thứ Tư, 31/07/2019, 08:00 - Chia sẻ
Với chiến lược bài bản, đi kèm sự vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, Vĩnh Phúc từ một tỉnh nghèo đã vươn lên trở thành địa phương nằm trong top đầu các tỉnh Bắc Bộ về thu hút đầu tư. Trong xu thế mới, Vĩnh Phúc nhất quán quan điểm luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh xác định không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Hơn 20 năm về trước, khi mới tách tỉnh, Vĩnh Phúc được biết đến là địa phương có nền kinh tế lạc hậu, thu ngân sách chỉ vỏn vẹn gần 100 tỷ đồng và số lượng doanh nghiệp đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng đất đai canh tác nhỏ hẹp, người dân chủ yếu bám đồng ruộng để mưu sinh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nhằm từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh.

Thời gian tới, ngoài thu hút vào lĩnh vực công nghiệp, Vĩnh Phúc cũng ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng, các khu dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp theo yêu cầu, tổ hợp khách sạn 5 sao…để tạo ra bước phát triển đột phá. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Chính sách ưu đãi cần được xây dựng trên nguyên tắc hậu kiểm có điều kiện và thời hạn, thay vì hình thức xác định ưu đãi tiền kiểm và ghi chi tiết trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như hiện nay theo quy định là tập trung ưu tiên vào ngành, lĩnh vực cần phát triển và địa bàn ưu đãi đầu tư.

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành

Xuất phát từ quyết tâm đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh qua nhiều thời kỳ đã vận dụng hoạt các chính sách, chủ động tạo điều kiện, mời gọi các nhà đầu tư. Và thật xứng đáng, sau bao nỗ lực, Vĩnh Phúc đã kêu gọi được các ông lớn đến với địa phương như: Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo… Nếu như, năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) với quy mô 50ha và 91 doanh nghiệp trên tổng vốn đăng ký 57 tỷ đồng thì đến nay, toàn tỉnh đã có 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển với diện tích 5,5 nghìn hécta; 356 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.774 triệu USD.

Một lần nữa, có thể khẳng định, với chủ trương đúng đắn, Vĩnh Phúc đã trở thành địa chỉ đỏ của các nhà đầu tư. Qua đó, đã giúp nền kinh tế Vĩnh Phúc bứt phá mạnh mẽ, hàng chục nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối và có điều tiết cho ngân sách trung ương. Riêng năm 2018, thu ngân sách đạt gần 33 nghìn tỷ đồng.

Để có được một Vĩnh Phúc phồn thịnh hôm nay, Theo Phó Giám đốc Sở KH - ĐT Nguyễn Đức Tài, những năm qua, tỉnh đã thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Ngoài duy trì hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư ở thị trường các nước truyền thống và xúc tiến đầu tư vào thị trường các nước tiềm năng, Vĩnh Phúc còn thực hiện tốt hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ thông qua những việc làm cụ thể. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Cùng với đó, tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đã đến đầu tư tại KCN Phúc Yên, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc Ảnh: trọng Hiếu

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Với quan điểm xuyên suốt “Các doanh nghiệp đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tỉnh kiên quyết từ chối các nhà đầu tư thiếu nghiêm túc, dự án ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, kể cả đó là dự án có tỷ suất đầu tư lớn. Thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Theo Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành, tỉnh chỉ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; từ chối tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh thái.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự kiên định đó là mới đây, Vĩnh Phúc đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hong Kong, Trung Quốc), do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh xúc tiến theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư phải bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư; thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, chú trọng những nhà đầu tư lớn có tiềm lực kinh tế, các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt cho môi trường đầu tư. “Đồng thời, tỉnh cũng tập trung rà soát toàn bộ các dự án công nghiệp, KCN, đô thị, dịch vụ đã quy hoạch, cho chủ trương để tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đặc biệt, tỉnh kiên quyết chấm dứt hoặc thu hồi chủ trương các dự án sai quy hoạch, chậm tiến độ, không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định.

Xoay quanh định hướng thu hút đầu tư, Phó Giám đốc Sở KH - ĐT Nguyễn Đức Tài cho biết: Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật. Tỉnh sẽ khuyến khích, ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư.

Với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, nhất là tầm nhìn và sự quyết liệt của những người đứng đầu, tin rằng, Vĩnh Phúc sẽ đón nhận nhiều hơn nữa những nhà đầu tư có tâm, có tầm. 

TRỌNG HIẾU