Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 23:50 - Chia sẻ
Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa chủ trì buổi làm việc với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến góp ý vào một số nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, nhận thức về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường đã có chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương và 192 điều (giảm 4 chương, tăng 21 điều so với Luật Bảo vệ môi trường 2014).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ đã nhất trí sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường là cần thiết nhằm thể chế hóa rõ những quan điểm, đường lối lớn của Đảng, Nhà nước và hội nhập quốc tế, như lấy bảo vệ môi trường là trung tâm của sự phát triển, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều chính sách mang tính cách mạng với tư duy đổi mới, đặc biệt sẽ giúp các tỉnh, thành phố tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam cao hơn trước đây, thậm chí cao hơn các nước tiên tiến trên thế giới để thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược mới, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.

Liên quan đến lĩnh vực quản lý xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thống nhất cao, cần bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật để tăng hiệu quả quản lý nhà nước, mỗi lĩnh vực phải có luật gốc. Mỗi lĩnh vực chỉ giao cho một bộ quản lý, các bộ khác phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ liên quan, và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ những nhiệm vụ này. Chẳng hạn như quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong Luật Xây dựng đồng bộ về cấp nước, thoát nước trong khu đô thị; quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ thực hiện về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất thải rắn sinh hoạt, nước thải.

Trân trọng sự quan tâm và ý kiến đóng góp của các Bộ trưởng cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bổ sung, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để trình Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIV.

CHÍ TUẤN