Bộ Giáo dục có soạn sách nữa hay thôi?

- Thứ Ba, 16/06/2020, 08:31 - Chia sẻ
Tại Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Quốc hội đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nhằm tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đến nay, tháng 6.2020 vẫn chưa có bộ sách giáo khoa này.

 Báo cáo 271 ngày 28.5.2020 của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 88 cho biết, nguyên nhân là do khi thương thảo để ký hợp đồng sau đấu thầu, các tác giả đều đưa ra yêu cầu về nhuận bút lâu dài trong quá trình sử dụng sách giáo khoa - điều này không phù hợp với quy định và dự toán gói thầu. Ngoài ra, quan trọng là hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các nhà xuất bản khác.

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định việc không tiếp tục tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa vẫn bảo đảm có đủ sách giáo khoa để triển khai chương trình theo Nghị quyết 88. Đồng thời, sẽ thuận lợi hơn cho việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản theo quy định bình ổn giá sách giáo khoa của Nhà nước.

Từ những nội dung trong Báo cáo có thể nhận định, mặc dù Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục và Đào tạo từ rất sớm (năm 2014) nhưng Bộ lại tiến hành việc đấu thầu rất chậm (năm 2019) nên không tuyển chọn được chuyên gia giỏi tham gia chương trình. Với cách làm này và với lý giải trong Báo cáo của Chính phủ thì không chỉ có sách giáo khoa lớp 1 mà sách giáo khoa lớp 2 và các lớp còn lại cũng chỉ sử dụng sách giáo khoa do tư nhân làm vì không thể giải quyết được vướng mắc về nhuận bút.

Báo cáo của Chính phủ cũng không đề cập trường hợp một môn nào đó trong chương trình sau khi được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia thẩm định từ tất cả các nhóm tác giả trình đều không đạt để đưa vào sử dụng thì xử lý như thế nào nếu không có bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, biên soạn. Tình huống này đại biểu Quốc hội Khóa XIII đã đặt ra và là một trong những lý do để đưa nội dung giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách vào Nghị quyết 88. Báo cáo của Chính phủ gần như đã khẳng định toàn bộ sách giáo khoa tư nhân thực hiện đều sẽ đạt yêu cầu. Từ các vấn đề nêu trên, Chính phủ cần khẳng định lại trước Quốc hội về việc: Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa nữa hay không để đại biểu trả lời với cử tri.

Bên cạnh đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền trong biên soạn, xuất bản sách giáo khoa là cần thiết. Tuy nhiên, việc này phải bảo đảm mang lại sách giáo khoa với chất lượng tốt, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục mới nhưng giá phải phù hợp với đại đa số thu nhập của các hộ gia đình.

Theo thông tin nhận được, sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ đẹp hơn, giấy in chất lượng hơn và giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 cao hơn ít nhất 2,2 lần so với giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2021 - 2022, mặc dù đã được các nhà xuất bản giảm giá do dịch bệnh. Chính phủ cần xem xét và có chính sách hỗ trợ về giá đối với sách giáo khoa, trong đó ưu tiên hỗ trợ sách giáo khoa bậc tiểu học. Bên cạnh việc cấp miễn phí cho thư viện các trường vùng khó khăn và vận động Nhà xuất bản Giáo dục tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần tạo điều kiện để các hộ gia đình có thể trang bị sách giáo khoa cho con em mình. Bởi sách giáo khoa là một loại hàng hóa đặc biệt và sách giáo khoa tiểu học chính là một trong những phương tiện để thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc bậc tiểu học.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh)