Góc nhìn

Bãi bỏ để phù hợp?

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:08 - Chia sẻ
Sau 5 năm có hiệu lực (1.6.2016), Bộ Công an đã đề xuất bỏ quy định ô tô từ 4 chỗ phải lắp bình chữa cháy, nhưng với xe 10 chỗ trở lên vẫn bắt buộc phải thực hiện.
Đại diện Bộ Công an cho rằng, đề xuất bỏ quy định bắt buộc có bình cứu hỏa với xe ô tô từ 4 chỗ là để phù hợp với dự thảo nghị định quy định chi tiết về Luật Phòng cháy và Chữa cháy mà Bộ đang xây dựng, dự kiến có hiệu lực trong năm 2020. Cụ thể, dự thảo nghị định quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi thay vì phải có bình chữa cháy thì nay chỉ cần có hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Theo quy định tại Thông tư 57 thì từ ngày 1.6.2016, ô tô từ 4 chỗ phải lắp bình cứu hỏa. Ô tô từ 4 chỗ trở lên phải có một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg. Trường hợp không trang bị phương tiện phòng cháy theo quy định sẽ bị phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng theo Nghị định 167/2013. Thế nhưng ngay từ đầu, quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, dù cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cho rằng, việc trang bị dụng cụ, thiết bị chữa cháy trên xe là cần thiết giúp lái xe, hành khách dễ dàng xử lý nhanh các sự cố liên quan đến cháy nổ bởi hiện tượng xe đang lưu thông bỗng dưng bốc cháy không phải là chuyện hiếm nhưng Cục Đăng kiểm lại cho rằng không nhất thiết phải có.

Điều đáng chú ý hơn nữa là sau khi quy định này ra đời khoảng 1 năm, ngày 28.2.2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất, tồi nhất - dù bình chọn này không mang tính pháp lý, không có nhiều "ràng buộc", theo đó, ban tổ chức đã bình chọn 30 quy định tốt nhất và 30 quy định kém nhất. Trong số các quy định kém nhất, quy định trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô tại Thông tư 57/2015 của Bộ Công an được đánh giá là gần như không đạt được mục tiêu chính sách, khiến cho người sử dụng phương tiện không biết đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe, gây bất tiện, thậm chí là mất an toàn khi sử dụng phương tiện. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để áp dụng quy định này thì với 3,5 triệu ô tô (theo ước tính ở thời điểm hiện tại), chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều so với lợi ích thu được.

Việc xây dựng các chính sách, pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, khi đã phát hiện có những bất cập, vướng mắc, những quy định không khả thi, không phù hợp thì cần thiết phải bãi bỏ. Trong quá trình xây dựng chính sách, không nên quá "tả" hoặc quá "hữu", rồi sau đó bãi bỏ chỉ với những lập luận kiểu như còn bất cập, không phù hợp hoặc để phù hợp hơn... Như với những gì đang diễn ra trong thực tế, rõ ràng quy định ô tô từ 4 chỗ phải lắp bình chữa cháy đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bởi vậy việc bãi bỏ là đúng.
Linh Trang