Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động của Indonesia

Những vấn đề nảy sinh

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:01 - Chia sẻ
Bên cạnh những mặt tích cực mà xuất khẩu lao động mang lại thì Indonesia cũng phải đối mặt với các vấn đề tiêu cực mà các quốc gia xuất khẩu lao động gặp phải.

 Việc đi lao động ở nước ngoài của những người đàn ông - trụ cột trong gia đình làm cho gánh nặng của người phụ nữ tăng lên nhiều lần. Phụ nữ lúc này trở thành lao động chính trong một số lĩnh vực sản xuất và phải gánh vác những trách nhiệm truyền thống của người đàn ông trong xã hội hồi giáo như Indonesia, thậm chí phải làm một số công việc nặng nhọc vốn là của nam giới.

Mặt khác, các gia đình có người thân đi lao động ở nước ngoài không tránh khỏi những lo âu về người thân ở nước ngoài, nền móng gia đình có nguy cơ bị rạn nứt khi người thân đặc biệt là người chồng không thông cảm với những lao động xuất khẩu nữ, họ không hiểu sự vất vả mà người phụ nữ phải chịu khi làm việc ở nước ngoài, họ sử dụng tiền do vợ mình gửi về một cách không hiệu quả hoặc là dùng tiền đó để xây dựng hạnh phúc với một người phụ nữ khác ở quê nhà, thậm chí có người phụ nữ bị lạm dụng ở nước ngoài sau khi trở về nước bị người chồng từ bỏ. Kết quả của thời gian làm việc kéo dài không được nghỉ ngơi, những bữa ăn thiếu thốn, điều kiện sống chật hẹp được thấy rõ qua tình trạng thể chất bị cạn kiệt, tinh thần bị suy sụp, một số có nguy cơ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV/AIDS.

Trước thực trạng đó, Chính phủ Indonesia đã ra quy định, mỗi lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phải nộp một khoản phí bảo hiểm là 15 USD. Phí này sẽ bảo đảm nhân mạng và chứng nhận người lao động di dân được hưởng quyền khám, chữa bệnh. Ý nghĩa của bảo hiểm này là rất lớn, thiết thực đối với người lao động nhưng dường như trên thực tế, việc thu phí này chỉ là hình thức và đem lại một khoản thu nhập cho các văn phòng và các cơ quan tuyển mộ. Còn người lao động di dân không được hưởng một dịch vụ gì từ số tiền nói trên, các văn phòng tuyển mộ và ngay cả chính quyền đều bày tỏ một thái độ thờ ơ và vô trách nhiệm đối với người lao động, và khó mà tìm được dấu vết của số tiền trên vì câu trả lời mà lao động di dân nhận được là số tiền đã nhập vào kho bạc của nhà nước.

Chống tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em

Người lao động di dân không chỉ là nạn nhân của nạn lừa gạt, bóc lột của người sử dụng lao động ở nước ngoài mà cả các tổ chức trong nước. Xuất phát từ sự phức tạp và tốn kém cũng như thời gian chờ đợi lâu mà không ít lao động Indonesia đã tìm đến con đường bất hợp pháp để được đi lao động ở nước ngoài. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều tổ chức môi giới bất hợp pháp đã xây dựng những đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài. Để ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ, từ năm 2001 chính quyền Indonesia bắt đầu trừng trị nhóm buôn người thông qua sự thay đổi các chính sách và các kênh ngoại giao. Chính phủ cũng thúc đẩy một chương trình hành động quốc gia chống buôn bán phụ nữ và trẻ em và một chương trình hợp tác với Malaysia, đặc biệt chính quyền Malaysia ở bang Sabah để giải thoát các nạn nhân. Các tổ chức phụ nữ Indonesia cũng như các tổ chức phi Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Chính phủ cấm XKLĐ (cả hai giới) sang Ảrập Xêút. Tuy nhiên, các sắc lệnh này nhanh chóng bị bãi bỏ vì nhu cầu ra nước ngoài làm việc của lao động Indonesia, đặc biệt của giới nữ, là một nhu cầu thực tế và ngày càng gia tăng, hơn nữa, số lao động bất hợp pháp Indonesia đến Ảrập Xêút bằng con đường hồi hương ngày càng nhiều.

Vũ Quỳnh