Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng - nhìn từ thực tiễn

Bài 3: Tìm mô hình thực hiện ổn định, lâu dài

- Thứ Hai, 01/06/2020, 07:20 - Chia sẻ
Từ kết quả thí điểm, Chính phủ cho biết, có đến 9/12 địa phương kiến nghị, chỉ nên thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Liệu đây đã là mô hình tối ưu hay chưa? Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, đây là mô hình hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải được xem xét thấu đáo, khoa học. Dù thế nào thì, sau nhiều lần tách - nhập các văn phòng, đã đến lúc phải tìm ra một mô hình tốt cho bộ máy tham mưu, giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh để có thể thực hiện ổn định, lâu dài.

>> Bài 2: Không tránh khỏi “vừa đá bóng vừa thổi còi”

>> Bài 1: Những kết quả bước đầu

Sẽ hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh

Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, để thực hiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quản lý nhà nước của các cơ quan chấp hành, Chính phủ đề xuất phương án sắp xếp bộ máy tham mưu, giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh theo hướng: giữ mô hình tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và chỉ thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh thành bộ máy tham mưu, giúp việc chung (Văn phòng chung) của Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng được tiếp tục duy trì mô hình thí điểm cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này) có hiệu lực thi hành.

Nêu quan điểm cá nhân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà bày tỏ “rất đồng tình” với quan điểm giữ mô hình tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND thành bộ máy tham mưu, giúp việc chung của Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Theo đại biểu Hà, việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND thành bộ máy tham mưu, giúp việc chung của Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là hợp lý vì cùng thực hiện chức năng giúp việc cho cơ quan dân cử, có điểm tương đồng nên trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, phương án này cũng phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong điều kiện hiện nay. Ủng hộ phương án của Chính phủ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương cũng cho biết, thảo luận tại rất nhiều hội thảo về vấn đề này, các ĐBQH “luôn luôn phát biểu và chỉ ghi nhận một điều là nên sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND”.

Từ thực tiễn thí điểm tại Lâm Đồng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cũng nhất trí với đề xuất nên giữ mô hình Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Ông cho rằng, tổ chức như vậy là hợp lý, vì đây là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu của Văn phòng UBND cấp tỉnh. Việc giữ mô hình này sẽ bảo đảm để công tác tham mưu, phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông suốt, thường xuyên, liên tục, hiệu lực, hiệu quả. Nhấn mạnh “Văn phòng UBND cấp tỉnh phải là cơ quan chuyên môn”, ông Nguyễn Tạo cũng khẳng định, đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tham mưu của Văn phòng UBND cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.


Quá trình thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ở một số địa phương đã nảy sinh những bất cập cần được nghiên cứu thấu đáo
Ảnh minh họa

Chỉ sau 5 năm có gì thay đổi mà phải tính toán nhập lại?

Dù vậy, đề xuất của Chính phủ, theo đánh giá của nhiều ĐBQH, cũng mới chỉ “thuyết phục được một nửa”. Dù rất đồng tình với phương án giữ Văn phòng UBND độc lập, là cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh nhưng chính đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, việc có hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh hay không cần được xem xét thấu đáo, khoa học trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này, tránh thực hiện máy móc, mang tính lắp ghép, cơ học. Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng đề nghị, cần tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách khách quan, toàn diện việc hợp nhất 3 Văn phòng.

Tuy không phải là địa phương thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng, song từ thực tế Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND đã từng tách ra rồi nay lại đề xuất nhập vào, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá tổng kết hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH từ khi tách ra cho đến nay. Bởi theo ông, khi tách hai Văn phòng ra độc lập như mô hình đang được thực hiện tại đa số các địa phương hiện nay thì chắc chắn Quốc hội Khóa trước đã cân nhắc kỹ lưỡng đến sự cần thiết, cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. “Vậy chỉ sau 5 năm có gì thay đổi, có gì khác mà chúng ta lại tính toán nhập lại? Nếu là để thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị thì phải có đánh giá đến hiệu lực, hiệu quả của Văn phòng Đoàn ĐBQH khi nhập lại, để tránh sáp nhập cơ học”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói.

Có cùng đề xuất này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, không phải là tổng kết, đánh giá của Chính phủ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo thực hiện việc tổng kết này để khẳng định bộ máy giúp việc có vị thế cho Đoàn ĐBQH. “Tầm của ĐBQH, Đoàn ĐBQH và theo đó là tầm của cán bộ tham mưu, giúp việc cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH có đặc thù riêng, có tính chất chuyên môn riêng, cũng là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cơ quan dân cử đặt địa phương nhưng không phải là thuộc địa phương”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nói.

 “Một nửa” còn lại trong phương án của Chính phủ - hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh - rõ ràng cũng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Nhiều ĐBQH khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám và Kỳ họp thứ Chín vừa qua đều nhấn mạnh, việc xác định bộ máy tham mưu, giúp việc phải dựa trên cơ sở vị trí, vai trò, tính chất, phạm vi hoạt động của chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo mới có thể thực hiện  ổn định, lâu dài.

Trong phiên họp chiều nay, 1.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 580 và các đề xuất của Chính phủ. Những băn khoăn từ thực tiễn thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng vừa qua, thực tiễn từng hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh trước đây cũng như thực tiễn tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh và Văn phòng UBND thành 3 Văn phòng độc lập như mô hình hiện nay chắc chắn sẽ được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thấu đáo. Dù tiếp tục hợp nhất 3 Văn phòng như Nghị quyết số 580 hay giữ Văn phòng UBND độc lập, chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh hay có thể là một phương án nào khác thì vẫn phải đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất là: bảo đảm yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh. Và đến thời điểm này, có lẽ cần bổ sung thêm một yêu cầu nữa: đã đến lúc phải tìm ra một mô hình tốt cho bộ máy tham mưu, giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh để có thể thực hiện ổn định, dài lâu.

Quỳnh Chi - Hoàng Ngọc