Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng - Nhìn từ thực tiễn

Bài 2: Không tránh khỏi “vừa đá bóng vừa thổi còi”

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:15 - Chia sẻ
Cùng với những kết quả bước đầu có thể đo đếm, lượng hóa được bằng số đầu mối, biên chế giảm đi, thực tế thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Trong đó, vướng mắc lớn nhất, theo phản ánh từ các địa phương thí điểm là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho hai hệ thống cơ quan hành chính và cơ quan dân cử.

>> Bài 1: Những kết quả bước đầu

Còn mang tính cơ học

Có ít nhất 5 vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đã được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, “xếp đầu bảng” là do Văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với 3 chủ thể cấp trên trực tiếp chỉ đạo là Đoàn ĐBQH, HĐND - cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương - và UBND - cơ quan hành chính, thực thi chính sách, pháp luật và là cơ quan chấp hành của HĐND - nên khó bảo đảm tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý nhà nước của UBND và công tác giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND. Nói cách khác, “khó tránh khỏi tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp”, Chính phủ cho biết.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo thừa nhận, việc phân chia theo các mảng công tác tham mưu, phục vụ cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND chỉ có tính chất tương đối. Vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách, sau đó lại phục vụ hoạt động giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật đó thì về lâu dài, theo ông, văn phòng chung khó có thể hoàn toàn khách quan, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác tham mưu, phục vụ một số hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND, trong đó, đặc biệt phải kể đến hoạt động giám sát. Thực tế này cũng được ghi nhận tại tỉnh Hà Giang. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà cho biết, văn phòng chung trong quá trình hoạt động có những bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách sau đó lại tiếp tục tham mưu giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật nên không khách quan và chất lượng, hiệu quả không cao.

Tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế là một trong những ưu điểm nổi bật khi thực hiện thí điểm. Nhưng nhìn sâu hơn vào thực tế triển khai ở địa phương, ông Nguyễn Tạo chỉ rõ, việc thí điểm hợp nhất còn mang tính lắp ghép cơ học. Với mục tiêu bảo đảm duy trì công tác tham mưu, phục vụ của 3 văn phòng như trước đây nên chưa có nhiều đổi mới để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Biên chế của văn phòng chung còn thiếu so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, lý do là bởi trong thời gian thí điểm có một số cán bộ, công chức nghỉ hưu, chuyển công tác. Số biên chế và người lao động trên thực tế cũng không giảm nhiều do việc hợp nhất mà chủ yếu là do thực hiện theo Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 đã được phê duyệt trước đây. Biên chế và số lượng người làm việc giảm đi cũng chủ yếu ở bộ phận hỗ trợ, phục vụ như hành chính, quản trị.

Từ thực tế thí điểm của Hà Giang, bà Vương Ngọc Hà cũng chỉ rõ, Văn phòng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều chủ thể (lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND, UBND và Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh). Do vị trí, vai trò, nội dung, tính chất, phạm vi hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh khác nhau nên khi thực hiện nhiệm vụ giúp việc chủ thể nào sẽ do chủ thể đó trực tiếp chỉ đạo, điều hành, vì vậy có lúc chưa trùng khớp. Tuy hợp nhất nhưng các hoạt động của văn phòng chung vẫn cơ bản không có sự thay đổi so với trước; bộ phận nào trước đây tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh thì vẫn thực hiện như trước khi hợp nhất; các phòng, bộ phận phục vụ chung chỉ có hành chính - tổ chức, quản trị - tài vụ. “Như vậy, mục tiêu hợp nhất để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy chưa đạt yêu cầu, trên thực tế chỉ là nhập cơ học”, bà Vương Ngọc Hà nói.

Không bất ngờ trước thực tế này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nguyên Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Phúc nói thẳng, “khó mà bỏ được chế độ, chính sách của cán bộ vì người ta có bị kỷ luật gì đâu mà cắt được? Cứ nhìn thực tế việc ghép một số bộ lại với nhau để thành lập bộ đa ngành vừa qua thì biết. Chúng ta có giảm được cơ bản số lượng thứ trưởng không? Khó lắm! Với các văn phòng cũng tương tự như vậy thôi. Nếu không có văn phòng riêng thì trong văn phòng chung lại cũng vẫn phải “đẻ” ra một phòng phục vụ công tác Đoàn ĐBQH, một phòng phục vụ HĐND rồi cũng tập hợp từng đấy người vào mỗi phòng tức là cũng chẳng khác gì văn phòng riêng cả”.


Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà

“Thả mặc” cho địa phương “ứng xử”?

Một vướng mắc chưa được đề cập đến trong Báo cáo của Chính phủ nhưng có lẽ các địa phương thực hiện thí điểm đều rất “thấm” là, mỗi lần tách - nhập các văn phòng đều ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, không chỉ với cán bộ tại các văn phòng mà còn với chính các ĐBQH, đại biểu HĐND. Như với việc hợp nhất lần này, do thực hiện nguyên tắc trong thời gian thí điểm vẫn giữ nguyên các chế độ phụ cấp, hỗ trợ cho cán bộ, công chức, người lao động như trước đây nên trong cùng một văn phòng nhưng lại có các chế độ phụ cấp khác nhau giữa các lĩnh vực công tác và phục vụ. Nhưng hơn hết theo bà Vương Ngọc Hà, vẫn là ảnh hưởng ngay đến hiệu quả công việc, nhất là công việc của Đoàn ĐBQH. Có cùng tâm tư này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn không khỏi băn khoăn khi việc triển khai thực hiện thí điểm có tình trạng còn “thả mặc” cho các địa phương “ứng xử” với Đoàn ĐBQH và bộ phận tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH trong văn phòng chung.

Theo quy định tại Nghị quyết số 580, kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh được ngân sách địa phương bảo đảm theo phân bổ dự toán do HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước thì dự toán ngân sách địa phương năm 2019 đã được xây dựng từ tháng 10.2018, tức là đã có trước thời điểm thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng). Tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách địa phương cũng đã được ban hành từ năm 2017 và không có tiêu chí phân bổ cho Văn phòng Đoàn ĐBQH do nhiệm vụ này được bố trí từ ngân sách của Trung ương (nằm trong dự toán kinh phí của Văn phòng Quốc hội và dự toán kinh phí năm 2019 của Văn phòng Quốc hội đã được Quốc hội quyết định phê duyệt, trong đó đã bao gồm kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH). Văn phòng chung có tài khoản riêng, nguồn kinh phí riêng (bao gồm nguồn kinh phí của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh) và Chánh Văn phòng là chủ tài khoản của cả 3 nguồn này. Tuy nhiên, hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có tính chất đặc thù, khác với UBND tỉnh nên một số nội dung lãnh đạo văn phòng chung chưa bao quát được, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý tài chính, kế toán chung. Chỉ ra thực tế này, bà Vương Ngọc Hà cũng phản ánh tình trạng chế độ, chính sách giữa các bộ phận cán bộ, công chức phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh còn có quy định khác nhau; chế độ, chính sách hoạt động của Đoàn ĐBQH, cán bộ chuyên trách HĐND khác với chế độ, chính sách của cán bộ văn phòng nên công tác phục vụ, chi tiêu, kế toán có những khó khăn nhất định.

Chia sẻ với thực tế này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng chỉ ra một bất cập khác, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH và bộ phận tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH các địa phương là như nhau. Khi kinh phí hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH phụ thuộc vào địa phương, do địa phương quyết định - mà thu chi ngân sách thì mỗi địa phương một khác - thì sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH. “Phải rõ nét chỗ này. Nếu cứ giao cho địa phương thì địa phương tiếp tục xem đây chỉ là bộ phận giúp việc tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị.  

Quỳnh Chi - Hoàng Ngọc