Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ địa phương

Bài 1: Thực hiện các nhiệm vụ khoa học

- Thứ Năm, 04/06/2020, 10:42 - Chia sẻ
Các Bộ ngành, địa phương đã và đang tập trung nhân rộng ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ để phát triển bền vững các ngành, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triển khai các nhiệm vụ khoa học

Theo báo cáo của các địa phương và tổng hợp từ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2019, Bộ KHCN đã xem xét hỗ trợ các địa phương triển khai được gần 200 nhiệm vụ KHCN thuộc các chương trình như: Chương trình nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gene, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ, cấp thiết phát sinh ở địa phương… Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương.

Theo thống kê từ các Sở KHCN, năm 2019 các địa phương đã triển khai thực hiện 3.707 nhiệm vụ KHCN các cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở), trong đó có 1.393 nhiệm vụ mở mới, còn lại là chuyển tiếp. Cụ thể: Khoa học nông nghiệp chiếm: 30,87 %; khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm: 26,99 %; khoa học xã hội chiếm 18,02%; khoa học nhân văn chiếm 3,73%; khoa học tự nhiên chiếm 4,02%; khoa học y - dược chiếm 16,58%.

Các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KHCN từ ngân sách nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên ứng dụng và phát triển công nghệ. Theo báo cáo, hoạt động này được triển khai theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương nên đã phát huy được kết quả nghiên cứu ứng dụng.

Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung, các ngành địa phương nói riêng và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Về lĩnh vực khoa học tự nhiên, các đề tài trong lĩnh vực này mặc dù khó đo đếm được hiệu quả cụ thể nhưng có ý nghĩa khoa học lâu dài, cung cấp số liệu phục vụ cho các nghiên cứu về sau. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN để khai thác du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm ở Lai Châu, Quảng Bình, Kon Tum… Nghiên cứu về hệ sinh thái biển phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản kết hợp phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Đà Nẵng, Khánh Hòa…


Các cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng kiểm tra tại mô hình phát triển nông nghiệp trên đất cát ven biển Bắc Trung bộ - Nguồn: khoahocphattrien

Với mục tiêu làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao kết hợp sử dụng vốn quý của nền y học cổ truyền Việt Nam, tạo ra tiềm lực KHCN trong lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực y - dược đã được quan tâm đầu tư tập trung vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao các kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng. Tiêu biểu như tại Bình Định đã triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư tại Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định” nghiên cứu mới 12 sản phẩm, hoàn thiện quy trình công nghệ 6 sản phẩm, qua đó nâng số lượng sản xuất lên 25 – 30 loại thuốc điều trị ung thư phục vụ cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, tạo được doanh thu cho đơn vị, tăng  hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn 20 tỷ đồng, tiết kiệm cho bệnh nhân hơn 20 tỷ đồng tiền thuốc điều trị (do giá bán thấp hơn thuốc ngoại nhập 20-30%), tăng thu nhập cho người lao động.

Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã được triển khai khá toàn diện trên các mặt đời sống, xã hội, con người nhằm cung cấp các luận chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng. Một số đề tài nổi bật như: Đề tài “Văn xuôi kháng chiến Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1945-1954”; Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình; Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển, đảo và cửa khẩu cảng biển của Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng trong tình hình mới…

Chủ động tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngay từ năm 2018, các địa phương đều đã triển khai chủ trương xây dựng Đề án, kiện toàn sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ hệ thống Sở KHCN cũng như các đơn vị trực thuộc. Tổ chức bộ máy của một số Sở KHCN đã có sự sắp xếp theo hướng tinh gọn, hợp nhất và giảm số đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, một số tỉnh cũng đang có phương án hợp nhất, sáp nhập và chủ trương cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, ngay khi có Công văn số 5954/BNV-TCCB ngày 5.12.2018 của Bộ Nội Vụ về việc sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, các tỉnh/thành phố đã tạm dừng việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn chờ hướng dẫn của Bộ Nội vụ.


Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đối thoại trực tuyến với các giám đốc Sở KHCN

Năm 2019, toàn ngành KHCN nói chung và hoạt động KHCN ở các địa phương nói riêng đã cố gắng, nỗ lực cao trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KHCN phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN chủ yếu giai đoạn 2016-2020, các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thông qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến KHCN, đặc biệt là chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

Năm 2019 đã có 304 văn bản của các địa phương được ban hành, tập trung nhiều vào chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ ươm tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Nổi bật như: tỉnh Bình Dương đa ban hành Quyết định số 1923/QĐ-UBND về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết của Hội đồng nhân tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách khuyến khích phát triển KHCN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Hải Phòng đã phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phát triển khoa học và Công nghệ địa phương, Chu Thúc Đạt: Chưa bao giờ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được diễn ra mạnh mẽ và lan rộng khắp cả nước và nhận được sự quan tâm của xã hội, của Chính phủ, của các cấp chính quyền nhiều như trong thời gian qua và có thể coi là điểm nổi bật trong kết quả hoạt động KHCN của các địa phương từ năm 2018 - 2019. Tinh thần khởi nghiệp đã có sự chuyển động tích cực từ các Bộ, Ban, Ngành, đến các tỉnh, địa phương trên cả nước. Nhờ vậy, “làn sóng khởi nghiệp” đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng và có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập.

Xuân Tùng