Đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài 1: Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND

- Thứ Ba, 02/06/2020, 08:38 - Chia sẻ
Việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND tỉnh bước đầu giúp đại biểu thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm, yêu cầu, nhiệm vụ đối với bản thân; có dịp nhìn nhận lại kết quả hoạt động trong năm, thấy được những mặt đã làm tốt, hạn chế để có giải pháp khắc phục. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử là yêu cầu, nhiệm vụ đang được Đảng, Nhà nước đặt ra hơn bao giờ hết, được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, đồng thời là trách nhiệm đối với HĐND. Một trong các nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND đó là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Để làm tốt điều này, trước hết phải đánh giá được thực trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Qua đó, thấy được những mặt mạnh để phát huy, hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục; đánh giá những đại biểu tích cực, có trách nhiệm, làm việc hiệu quả cũng như đại biểu chưa tích cực, trách nhiệm công việc không cao, chưa làm tròn trách nhiệm của người đại biểu HĐND để có hình thức khen thưởng, động viên hay chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Cụ thể các tiêu chí, phương pháp đánh giá

HĐND tỉnh Hà Nam thời gian qua đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động: Thực hiện cải cách hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp; nâng cao chất lượng các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND tỉnh, gắn với các nội dung giải trình giữa 2 kỳ họp; nâng cao chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề, tăng cường giám sát thường xuyên; đổi mới công tác TXCT; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân…

Năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh ban hành kế hoạch số 02, ngày 13.2.2018 về  đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động của HĐND tỉnh Hà Nam; Hướng dẫn số 109/HD-TTHĐND ngày 18.6.2018 của Thường trực HĐND tỉnh “Hướng dẫn đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021”… với mục đích tăng cường trách nhiệm, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động HĐND tỉnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra; làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền và thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đã được HĐND tỉnh Hà Nam quan tâm thực hiện. Để cụ thể các tiêu chí, phương pháp đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND hàng năm chính thức được thực hiện từ năm 2018. Qua tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong nước đã triển khai thực hiện, cộng với quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND tỉnh, việc đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND tỉnh theo “Hướng dẫn đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021” năm 2018 đã có được hiệu quả tích cực; đồng thời qua đó kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện những năm tiếp theo.


Phiên họp thường kỳ tháng 5 của Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam  
Ảnh: N. Hoàng

Sát nhiệm vụ, có các tiêu chí đánh giá phù hợp nhất

Đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam được thực hiện đối với toàn bộ các đại biểu HĐND tỉnh, được phân nhóm đánh giá gồm các đại biểu HĐND tỉnh không giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu và nhóm các đại biểu HĐND tỉnh giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, để sát với nhiệm vụ và có các tiêu chí đánh giá phù hợp nhất. Căn cứ để đánh giá đó là các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đại biểu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các văn bản liên quan (các nội dung khác thực hiện theo hướng dẫn đánh giá cán bộ của cấp ủy).

Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chí đánh giá gồm 2 nhóm tiêu chí. Nhóm tiêu chí về phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng theo tiêu chuẩn người đại biểu HĐND, gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật (được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế hoạt động của HĐND, Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh được đánh giá dựa trên các tiêu chí: Hoạt động tại kỳ họp, giám sát giữa hai kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân và các hoạt động khác theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Đối với những đại biểu giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, ngoài đánh giá các tiêu chí chung đối với đại biểu, có các tiêu chí về thực hiện trách nhiệm của từng chức danh khi thực hiện nhiệm vụ của HĐND tỉnh (có các Mẫu phiếu đánh giá cụ thể).

Quy trình đánh giá, từng đại biểu HĐND tỉnh tự chấm điểm và phân loại chất lượng hoạt động hằng năm theo phiếu đánh giá hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh; gửi báo cáo kết quả hoạt động và phiếu tự chấm điểm hoạt động hằng năm về Thường trực HĐND tỉnh để sao gửi tới các ban, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh trước khi các tổ, các ban HĐND tỉnh họp đánh giá. Tổ đại biểu tổ chức họp để chấm điểm, đánh giá đối với đại biểu trong tổ; đồng thời chấm điểm, đánh giá đối với các thành viên Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh (là đại biểu HĐND tỉnh). Các ban HĐND tỉnh họp thống nhất chấm điểm, đánh giá đối với các thành viên UBND tỉnh (là đại biểu HĐND tỉnh). Gửi kết quả về Thường trực HĐND tỉnh xem xét, đánh giá, xếp loại.

Thời điểm đánh giá thực hiện vào cuối năm, bảo đảm hoàn thành trước khi tổ chức Đảng các cấp đánh giá tập thể, cá nhân cuối năm; kết quả đánh giá được gửi đến các đại biểu HĐND, các tổ đại biểu; đồng thời, gửi đến cơ quan quản lý cán bộ để biết, phục vụ việc đánh giá, khen thưởng chung cuối năm theo các quy định của cấp ủy, chính quyền.

NGUYỄN HOÀNG