An ninh nguồn nước

- Thứ Tư, 24/06/2020, 07:41 - Chia sẻ
Chúng ta đang trải qua những ngày hè đỏ lửa! Tây Nguyên dù đang mùa mưa nhưng vẫn phải chứng kiến cuộc sống thiếu nước dưới nắng cháy da cháy thịt và những vườn rẫy, nương cà phê, tiêu của người dân xơ xác vì đói nước.

Các địa danh khác cũng thiếu nước triền miên như vùng cao nguyên Hà Giang hay Ninh Thuận, Bình Thuận ở cực Nam Trung Bộ. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri có thể đọc được nỗi niềm mong mỏi, khát khao của người dân về một nguồn nước an toàn và bảo đảm bền vững.

Phải khẳng định nước là sự sống, là tài nguyên đặc biệt và không thể thiếu với đời sống của con người. Thừa và thiếu nước đều là thảm họa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sinh tồn, đến sự phát triển từ bình thường đến bền vững của xã hội.

An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia, quyền quyết định về an ninh lương thực. Các quốc gia trên thế giới coi việc bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia và đều có những phương án ứng phó khẩn cấp khi nguồn nước gặp sự cố.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, những mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp.

Nước ta hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa, rừng ngày càng bị tàn phá, thu hẹp. Sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống tăng nhanh. Trong khi đó việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng.

Mặt khác, với khoảng 63% trong tổng số trữ lượng khoảng từ 830 - 840 tỷ mét khối nguồn nước đến từ bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông. Thực tế là Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cấp bách về an ninh nguồn nước với tình trạng suy giảm nguồn nước mạch cũng như nước ngầm ngày một gia tăng và khó lường.

Với tính cấp thiết và cấp bách như vậy, để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Chính phủ cần khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát lại việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án chiến lược hoặc là một chương trình bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia thế kỷ XXI để trình Quốc hội. Trước mắt, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Chính phủ phải đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước. Cần quản lý tài nguyên nước giống như một tài nguyên giá trị, hạn chế và quản lý chặt các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước.

Cùng với đó, cần sử dụng tối ưu nguồn nước thông qua đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; tăng khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình dựa trên dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên này.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa)