Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"

3 trụ cột của phòng, chống xâm hại trẻ em

- Thứ Ba, 28/04/2020, 08:27 - Chia sẻ
“Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, "Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội. Ba trụ cột này nếu như không phát huy đầy đủ thì không bao giờ có thể thực hiện tốt được", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh như vậy tại Phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tuyên truyền chưa tới đích

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là chuyên đề đúng, trúng và có tính thời sự cao. Nhiều ý kiến tại phiên họp khẳng định, công tác trẻ em ở nước ta luôn là điểm sáng vì luôn nhất quán quan điểm là ưu tiên và tập trung chăm sóc trẻ em, tạo ra môi trường lành mạnh, an vui cho trẻ. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khi phát biểu tại phiên họp nêu rõ, “nhìn lại nhiều số liệu của chúng ta khi so sánh với mặt bằng chung của thế giới và trong khu vực, thì kết quả đạt được rất tốt”. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng mong muốn trong dự thảo Báo cáo nêu bật được tính ưu việt của một đất nước xã hội chủ nghĩa đã bảo vệ trẻ em như thế nào, sau đó mới đi sâu vào những "mảng tối".

Nêu những con số cho thấy "mảng tối" của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em,  Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận thấy, "rất đáng báo động" khi cứ một ngày lại có 7 trẻ em bị xâm hại; trong một năm có 38 trẻ em bị giết, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 vụ xâm hại trẻ em và 84 trẻ em mang thai. Phân tích về chính sách pháp luật cho thấy chúng ta đã có đầy đủ, kể cả văn bản hướng dẫn, nghị định của Chính phủ. Vậy vì sao xâm hại trẻ em vẫn tăng, phải chăng chế tài chưa đủ mạnh, nên dẫn đến nhờn, chưa sợ?

Về công tác tuyên truyền, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn, tuyên truyền mới chỉ ở "tầng trên". Trong 9.000 phiếu thăm dò thì 44,6% cho biết là có luật nhưng chưa biết nội dung thế nào. Chúng ta có cả chương trình tuyên truyền, bố trí kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật hằng năm, có tủ sách ở cơ sở, nhưng luật không đi vào cuộc sống. 9,8% số người được hỏi không biết về Luật Trẻ em, 47% trẻ em không biết độ tuổi thiếu niên là bao nhiêu, chứng tỏ tuyên truyền chưa tới đích, hình thức tuyên truyền chưa đổi mới. Trong khi đó, số lượng trẻ em tiếp cận mạng xã hội từ rất sớm, các cháu cũng bị tổn thương nhiều do tác động của mạng xã hội. Do vậy, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải đổi mới hình thức tuyên truyền thế nào cho các cháu hiểu cũng là vấn đề rất đáng suy ngẫm.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp 
Ảnh: Quang Khánh

Sát với từng địa bàn, đúng với từng đối tượng

Gia đình là tế bào của xã hội. Tiếp cận ở góc độ này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, sự gắn kết trong gia đình hiện nay ngày càng lỏng lẻo. Buổi sáng các cháu đi học, bố mẹ đi làm; tối về, cơm nước xong thì mỗi người lại ngồi một góc ôm Ipad hoặc điện thoại. Dự đoán, mô hình gia đình sẽ chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân và từ gia đình hạt nhân sang gia đình điện tử. Từ thực tế này, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phải đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong tuyên truyền, quản lý, giáo dục trẻ em.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, dự thảo Báo cáo cần phân tích, đánh giá và có thêm các kiến nghị về vai trò của đoàn thể, tổ chức xã hội, của từng gia đình, tính tự nguyện giám sát, theo dõi ở từng thôn, xóm, khu phố, cấp ủy chính quyền địa phương trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Chúng ta hướng tới phát hiện ngay từ đầu, từ cơ sở các hành vi xâm hại trẻ em. Hình thức tuyên truyền phải tránh đi vào lối mòn, hình thức, tận dụng tối đa vai trò của mạng xã hội.

Thừa nhận tuyên truyền rộng nhưng nội dung chưa được thẩm thấu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ thêm, ai cũng biết có Luật Trẻ em, nhưng luật nói gì, quyền và bổn phận của người cha, người mẹ phải làm gì, lại không nắm được, rất lơ mơ. Bản thân trẻ em cũng không được tuyên truyền sâu vấn đề này. Rất lâu trước đây, cứ trước 7 giờ tối (trước chương trình thời sự), Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình Những bông hoa nhỏ dành cho thiếu nhi. Nghĩa là khi đó "giờ vàng" được dành cho trẻ em. Song bây giờ, thử hỏi, các cơ quan truyền thông có dành khung "giờ vàng" ấy cho trẻ em nữa không? Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, nên đưa thêm vấn đề này vào dự thảo Báo cáo.

Đau xót biết bao khi nơi bình yên nhất đối với trẻ em là gia đình, nhà trường, vẫn xảy ra tình trạng xâm hại các em. Những vụ án nhức nhối mà chúng ta phát hiện, xử lý thời gian qua mới là “phần nổi của tảng băng chìm”. Với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định “bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội”. Ba trụ cột này nếu như không phát huy đầy đủ thì không bao giờ có thể thực hiện tốt được.

Nhấn mạnh vai trò công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng lưu ý, tuyên truyền phải thật cụ thể, sát với từng địa bàn, từng vùng, từng nơi. Trong đó, phương tiện thông tin đại chúng phải dành thời lượng hợp lý để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là giáo dục kỹ năng để phòng, tránh. "Chúng ta vẫn còn rất ít chương trình hướng dẫn kỹ năng cho người được bảo vệ và người có trách nhiệm bảo vệ", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ý Nhi