Triệt phá “Tín dụng đen”

- Thứ Hai, 03/05/2021, 09:22 - Chia sẻ
Vừa qua, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Nam cho hay đơn vị vừa bắt giữ một nhóm tín dụng đen cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến 170%/năm cho thấy vấn nạn tín dụng đen chưa bao giờ hết “nóng”.
Một địa chỉ trên in-tơ-nét cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” đã bị Công an TP Hà Nội triệt phá.
Một địa chỉ trên internet cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” đã bị Công an TP Hà Nội triệt phá. (Ảnh nguồn: nhandan.com.vn)

Tại các kỳ hop Quốc hội gần đây, một số đại biểu Quốc hội đã cảnh báo về các bẫy tín dụng đen, đặc biệt là tín dụng đen kiểu mới thời công nghệ với nhiều chiêu thức và thủ đoạn đòi nợ tinh vi, tàn khốc hơn rất nhiều so với kiểu tín dụng đen truyền thống. Câu hỏi cử tri đặt ra là tại sao vấn đề tín dụng đen nóng từ nghị trường, rốt ráo, quyết liệt trong thực tiễn xử lý mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguồn cung tín dụng đen còn tồn tại khi “cầu” vẫn còn. Lợi dụng sự “mù mờ” về pháp luật dân sự và nhu cầu cấp bách hoặc sự toan tính dễ dãi trong sử dụng đồng tiền của người đi vay…, các cá nhân, tổ chức tín dụng đen đã đánh vào tâm lý người vay bằng phương thức quảng cáo nhỏ lẻ với thủ đoạn mập mờ; thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, phục vụ tại nhà, không thế chấp và tính lãi số tiền trên mỗi triệu đồng/ theo ngày mà người vay không dễ biết lãi suất phần trăm… để tiến hành hoạt động tín dụng đen. Với nhiều thủ đoạn liều lĩnh, tín dụng đen bị lực lượng công an triệt phá và xử lý nghiêm minh đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Nhưng đứng trước nhu cầu vay vốn ngắn hạn còn rất phổ biến, nhiều người bất chấp lãi suất cắt cổ vẫn tham gia nên tín dụng đen vẫn ngấm ngầm phát triển và có nhiều biến tướng tinh vi như: cho vay tiền thông qua điện thoại di động thông minh (APP); không mở các trụ sở, công ty mà hoạt động trên không gian mạng, giao dịch qua tài khoản và chỉ cần có kết nối internet rất khó phát hiện và kiểm soát.

Hậu quả của tín dụng đen là làm mất trật tự an toàn xã hội; đảo lộn chính sách an sinh xã hội của nhà nước và đẩy người đi vay vào hoàn cảnh nghặt nghèo “tán gia bại sản”, để lại nhiều hậu quả tan thương. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quôc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng sau khi bị cơ quan chức năng truy quét, triệt phá quyết liệt, kiểu tín dụng đen truyền thống với chiêu thức đòi nợ là tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà người vay đã giảm, nhưng lại nổi lên tình trạng cho vay qua mạng với mức lãi suất “cắt cổ” và thủ đoạn đòi nợ tàn khốc hơn rất nhiều. Đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần của người vay, từ gọi điện thoại truy lùng suốt ngày đêm với những lời lẽ thô tục, độc ác đến sử dụng mạng xã hội phát tán hình ảnh người vay để làm nhục họ… 

Rõ ràng đấu tranh triệt phá, ngăn chặn đi đến xóa bỏ hẳn tín dụng đen là nhiệm vụ của các cấp chính quyền và của hệ thống tư pháp. Mới đây, TAND Tối cao dự thảo hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhằm đấu tranh mạnh mẽ với tình trạng này bằng pháp luật hình sự. Điều này phù hợp với mong muốn của xã hội và đòi hỏi cấp bách trong quản lý nhà nước đấu tranh với tội phạm tín dụng đen. Dự thảo đã xác định số tiền thu lợi bất chính và làm rõ việc  truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng thu phí của người vay (như phí hợp đồng, phí tư vấn, phí dịch vụ, phí liên lạc...) thì khoản tiền này được cộng với tiền lãi để xác định lãi suất và tiền thu lợi bất chính khi xem xét trách nhiệm hình sự. Người môi giới câu kết với người cho vay thu phí dịch vụ của người vay để cùng thu lợi bất chính thì khoản tiền này được cộng với tiền lãi để tính lãi suất và tiền thu lợi bất chính khi xem xét trách nhiệm hình sự.

Đây sẽ là điều cảnh báo nghiêm khắc đổi với các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen rằng nhà nước sẽ xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó người đi vay phải nâng cao nhận thức pháp luật để tự bảo vệ mình. Không thể vì lợi ích trước mắt mà “dấn thân” vào vòng lao lý, kiện tụng rồi sống trong sợ hãi mỗi khi chủ nợ “hỏi thăm”; cần phải tránh xa các dịch vụ vay, mượn, huy động tiền trái quy định của pháp luật. Cùng với  đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm hoạt động tín dụng đen cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng… nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời ngăn chăn hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Thanh Hà