“Hộ chiếu vaccine” khi nào?

- Chủ Nhật, 05/09/2021, 15:06 - Chia sẻ
Hôm qua (4.9), Việt Nam đã đón chuyến bay đầu tiên với khách có “hộ chiếu vaccine”. Theo đó, 297 hành khách Việt Nam có “hộ chiếu vaccine” khởi hành từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Trước đó, ngày 2.9 và ngày 12.8, đã khởi hành 2 chuyến bay đi châu Âu và Nhật Bản cho những hành khách trong nước có “hộ chiếu vaccine”, nói đúng hơn là có chứng nhận sức khỏe điện tử đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Việc thí điểm đón và đưa những hành khách đã tiêm đủ vaccine không chỉ tạo đà “mở cửa bầu trời”, đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế mà tới đây, còn phải tính đến việc “nới lỏng” các quy định đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tính đến hết tháng 8.2021, đã có hơn 2,7 triệu người dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine, tuy nhiên chưa có sự khác biệt nào giữa người đã tiêm 2 liều với những người chưa được tiêm hoặc mới được tiêm 1 liều. 

Tại những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, nếu không thuộc lực lượng được cho phép hoạt động thì người tiêm 2 mũi vaccine vẫn phải thực hiện giãn cách, không được phép ra đường nếu không có lý do chính đáng. Có những doanh nghiệp dù có đến 300 - 400 lao động đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn không thể hoạt động vì không đủ khả năng, nguồn lực để thực hiện “3 tại chỗ”. Nên chăng, có thể mở lại hoạt động kinh tế một cách có kiểm soát, quy định khoa học trong việc quản lý bệnh tật, để những người đã được tiêm đủ vaccine có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế -xã hội, sản xuất, kinh doanh?

Tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế chiều 1.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp: đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc.

Những người dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine không thể mãi ngồi nhà, họ cần sớm được lao động, làm việc, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Và thực tế, những khó khăn đó không chỉ xảy ra đối người lao động mà còn với doanh nghiệp, với nền kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021, cả nước có khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tương đương 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động/tháng. Đã đến lúc chúng ta cần đặt bài toán kinh tế bên cạnh bài toán về y tế, phòng, chống dịch. Y tế làm tốt chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Và ngược lại có phát triển kinh tế thì mới có nguồn lực để y tế hoạt động.

Không chỉ ở Việt Nam mà các nước phát triển cũng đã phải tính đến câu chuyện sống chung, thích ứng với dịch bệnh. Nhiều quốc gia đã cho mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại (kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch) nhưng có kiểm soát. Rõ ràng, không thể đủ lực để chống đỡ dịch bệnh nếu cứ đóng băng nền kinh tế. Việt Nam cũng như vậy. Gần 3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi không thể ngồi chờ trong lãng phí, không thể đợi đến khi số lượng người tiêm vaccine đạt 70-80% để thực hiện miễn dịch cộng đồng. Tất nhiên, dù tạo điều kiện để một số đối tượng, một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được hoạt động trở lại nhưng vẫn phải dựa trên nguyên tắc tính mạng và sức khỏe của người dân là số 1. 

Đại diên Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế cũng đang trong quá trình hoàn thiện hướng dẫn cấp "hộ chiếu vaccine" phục vụ mục đích giao thương với quốc tế. Tới nay, công nghệ cấp "hộ chiếu vaccine" đã cơ bản được hoàn tất, chỉ còn chờ EU công nhận chữ ký số trong mã QR của Việt Nam. Tuy nhiên, với việc cấp chứng nhận thông hành trong nước đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì Bộ Y tế vẫn đang xem xét thời điểm phù hợp để áp dụng.

Chúng ta đã trải qua 4 lần ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đợt thứ 4 này kéo dài và nặng nề nhất. Chính vì vậy, gần 3 triệu người được tiêm đầy đủ vaccine cần được tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội để tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư cho họ, tạo nguồn lực trở lại cho y tế, cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ những vùng khó khăn hơn.

Chi An