“Gia đình trong mắt em”

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 23:24 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông với chủ đề: "Nhà = An toàn + Yêu thương?”, nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình và vận động sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chiều 16.10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững đã trao giải cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Gia đình trong mắt em" .

Mơ ước về một gia đình hạnh phúc

Giữa lúc làn sóng Covid – 19 quay trở lại và diễn biến phức tạp, chiến dịch hi vọng trở thành một món quà, một nguồn động viên khích lệ tinh thần gửi tới các gia đình để cùng nhau vượt qua khoảng thời gian giãn cách xã hội.

Cuộc thi đã nhận được sự tham gia tích cực của gần 100 trẻ em trên toàn quốc. Các chủ đề được các em lựa chọn rất phong phú như: hình ảnh gia đình hạnh phúc, bạo lực gia đình dưới góc nhìn của trẻ em, ước mơ của trẻ em về một mái nhà yên ấm.

Hội thi Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc | VOV.VN
Gia đình hạnh phúc - trẻ em sẽ được sống trong sự yêu thương

Dựa trên các tiêu chí về tính thẩm mỹ, tính sáng tạo, nội dung thông điệp, tính lan tỏa và sự yêu thích của cộng đồng, ban giám khảo đã chọn ra những bức tranh xuất sắc, trong đó Giải Nhất thuộc về em Nguyễn Quảng Gia Định – 11 tuổi đến từ Làng Trẻ em SOS Quảng Bình. Ngoài ra, chương trình cũng công bố các giải thưởng còn lại gồm 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Là người làm công tác quản lý nhà nước về gia đình, đồng thời là thành viên Ban Giám khảo cuộc thi vẽ tranh “Gia đình trong mắt em”,  ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: những bức tranh của các em, tuy rất thơ ngây, trong sáng nhưng có tính sáng tạo, khả năng hội họa, điều đặc biệt còn truyền đạt được những thông điệp rất ấm áp và nhân văn cũng như mơ ước về một gia đình hạnh phúc.

“Qua các tác phẩm tranh của các bạn nhỏ, tôi thấy được những ước muốn của trẻ em, điều này thôi thúc các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các bên liên quan cần phải hành động để hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc đúng như nguyện vọng của các em”, ông Quý nói.

Lắng nghe tiếng nói của trẻ em để người lớn soi chiếu lại mình

Ông Quý cũng cho biết, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác xây dựng gia đình và xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Mong rằng có thể tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các bên để hướng tới xây dựng một văn bản luật hoàn chỉnh, toàn diện, góp phần xây dựng những mái nhà an toàn, hạnh phúc cho trẻ em.

Em Nguyễn Vũ Mai Anh - thí sinh đạt giải Nhì cuộc thi “Gia đình trong mắt em” chia sẻ: cha mẹ cần trò chuyện và chia sẻ để hiểu con hơn

Từ góc độ của trẻ em, khi được hỏi về những mong muốn của bản thân để chấm dứt tình trạng bạo lực, trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em, em Nguyễn Vũ Mai Anh - thí sinh đạt giải Nhì cuộc thi “Gia đình trong mắt em” cho rằng, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và bên liên quan khác cần có sự phối hợp để cùng nhau giải quyết các vấn đề bạo lực gia đình. Trước hết, các bậc phụ huynh cần thấu hiểu và bình tĩnh nếu con mắc sai lầm, cần trò chuyện và chia sẻ để hiểu con hơn.

Đối với các thầy cô và các bên liên quan cần tổ chức các buổi như họp phụ huynh hay các chương trình để cha mẹ nhìn nhận rõ về bạo lực gia đình và có phương án khắc phục, thay đổi để các gia đình thay đổi tốt hơn. Ngoài ra, bản thân trẻ em cũng nên thường xuyên nói chuyện cùng cha mẹ để hai bên hiểu nhau hơn và chủ động chỉ ra lỗi sai của cha mẹ bằng sự thông cảm thay vì trách móc, biết sửa sai và khắc phục, xin lỗi cha mẹ để hạn chế được các bạo lực gia đình, em Vũ Mai Anh nói.

Chia sẻ cảm nhận về những điều trẻ em muốn nói qua những bức tranh vẽ, bà Nguyễn Hải Anh, quản lý chương trình Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững cho rằng, tiếng nói của các em qua các bức tranh rất đa dạng và trưởng thành, khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ.

“Tôi nghĩ việc lắng nghe tiếng nói của trẻ em là vô cùng cần thiết, để người lớn soi chiếu lại mình, và biết cách đồng hành với trẻ hiệu quả nhất, để nhận ra rằng thứ trẻ cần nhất trong ngôi nhà của mình không phải vật chất, càng không phải là những ám ảnh của bạo lực, mà chính là thời gian của cha mẹ, sự an toàn và yêu thương”, bà Nguyễn Hải Anh nói.

Lê Hùng