Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Yếu tố nào quyết định niềm tin người tiêu dùng ?

- Thứ Tư, 29/09/2021, 07:54 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã triển khai quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online để giúp người tiêu dùng không bị giới hạn về thời gian, khoảng cách, dễ dàng tiếp cận được nông sản Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên việc triển khai còn gặp một số khó khăn như chất lượng nông sản không bảo đảm, kích thước không đồng đều, khó bảo quản khi vận chuyển xa…

Giải pháp hữu hiệu vượt khó

Việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Người tiêu dùng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, để tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng sẽ chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến hoặc kênh siêu thị. Ưu điểm khi mua sắm tại siêu thị là hàng hóa được đóng gói sẵn, đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng có thể tự tay lựa chọn, cầm nắm các sản phẩm.

Do tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua hàng, dịch chuyển sang xu hướng mua sắm trên các nền tảng online, các trang mua hàng trực tuyến, đi chợ hộ. Đồng thời, xu hướng sử dụng tiền mặt ngày càng giảm, thay thế vào đó là ví điện tử hay thẻ thanh toán…

Việc đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn.
Nguồn: ITN

Trưởng phòng Thu mua ngành thực phẩm tươi sống, Công ty TNHH AEON Việt Nam Trần Diễm Sa cho rằng, trong thời gian sắp tới, xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh hiện nay. Xu hướng đó là xu hướng bán lẻ đa kênh, đa phương thức. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

Cũng theo bà Sa, để việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được thuận lợi, các doanh nghiệp phải đảm bảo người nông dân thấu hiểu các ưu điểm và thế mạnh của kênh thương mại điện tử. Trên các sàn thương mại điện tử, người nông dân có thể đưa sản phẩm của mình tiếp cận tới hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước mà không chỉ là những khách lẻ ở địa phương lân cận.

Chia sẻ về tầm quan trọng của thương mại điện tử, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, hoa quả và trái cây ở Tây Nguyên vốn ít bị ảnh hưởng bởi thời gian thu hoạch, nhưng sẽ ảnh hưởng lớn nếu doanh nghiệp bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, tồn kho. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại trong nước và quốc tế là một trong những giải pháp giúp tránh ùn tắc thời dịch.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, trong xu hướng hội nhập và công nghệ 4.0 như hiện nay, thương mại điện tử phải đặt lên hàng đầu, giao dịch qua các sàn này cũng ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, từng địa phương cũng cần lên kế hạch xây dựng sàn thương mại điện tử để phục vụ cho xuất khẩu.

Nguồn: ITN

Tiêu chuẩn hóa sản phẩm

Bà Trần Diễm Sa cho biết, sản lượng nông sản được cung ứng ra thị trường hiện nay qua kênh thương mại điện tử của AEON Việt Nam còn rất nhỏ, chỉ khoảng 10-20%. Lý giải cho điều này, bà Sa cho hay, khi đã đưa hàng hóa lên kênh thương mại điện tử thì chất lượng phải đảm bảo và kích cỡ của sản phẩm phải đồng đều. Tuy nhiên, nông sản tại Việt Nam hiện nay lại chưa đảm bảo được về điều này. Đồng thời, hàng nông sản phải đảm bảo về độ tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng, vì vậy khi nông sản được vận chuyển từ phía nhà cung cấp đến siêu thị thì phải ngay trong ngày chuyển đến tay người tiêu dùng thì mới đảm bảo được chất lượng, đây cũng là khó khăn mà AEON cũng như nhiều doanh nghiệp gặp phải.

Theo Giám đốc Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Viettel Post) Trần Trung Kiên, để đảm bảo chất lượng nông sản trên sàn thương mại điện tử thì việc đầu tiên cần có là tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông sản. Nếu đã có tiêu chuẩn hóa sản phẩm và áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc từ lúc sản xuất đến các khâu vận chuyển, phân phối thì các thông tin sẽ được rõ ràng, minh bạch, giúp cho việc giữ giá sản phẩm được tốt hơn.

Còn trong thời điểm hiện nay khi người nông dân chưa số hóa được sản phẩm thì trước hết cần phải phân loại rõ ràng chất lượng của hàng nông sản để người tiêu dùng có niềm tin khi nhận được sản phẩm, từ đó sẽ có các lần mua hàng tiếp theo. Thứ hai, người nông dân cần chủ động tìm cách bảo quản và gói bọc hàng hóa để làm sao hàng hóa từ thời điểm đóng gói đến tay người tiêu dùng vẫn còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng về mặt chất lượng. Thứ ba, người nông dân cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, các bên liên quan làm sao để rút ngắn thời gian, có thông tin kịp thời để thu hái đúng thời điểm.

Điển hình như mùa vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang. Đội ngũ nhân viên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã đến tận nơi, cùng người dân thu hoạch vải, hướng dẫn sơ chế và đóng gói trong hộp xốp, có thể cần thêm đá để giữ nhiệt độ phù hợp nhất cho vải thiều, đảm bảo vẫn tươi ngon sau nhiều giờ vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ xa như miền Nam.

Theo Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến, nông sản là sản phẩm đặc thù, các yêu cầu về đóng gói, thời gian bảo quản, vận chuyển phải nhanh, nên thách thức là sự kết nối chuỗi cung ứng từ người trồng, thu mua với đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử. Chuỗi cung ứng này càng chặt chẽ bao nhiêu, sản phẩm giao tới tay người tiêu dùng càng nhanh, tươi ngon, đảm bảo chất lượng bấy nhiêu.

"Người trồng cần chú trọng hơn tới quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều; các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải cam kết chất lượng, giá... khi đưa sản phẩm lên lên kênh bán online, mới tạo được sự tin dùng từ người mua", ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.

Xuân Tùng