Thị trường cá tra những tháng cuối năm 2020

Xuất khẩu và nội địa cần được cân bằng

- Thứ Năm, 03/12/2020, 10:53 - Chia sẻ
Giới chuyên gia đánh giá, hiện nay xuất khẩu cá tra vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, vì vậy các doanh nghiệp cần bỏ kiểu tư duy chỉ “làm lớn” để xuất khẩu mà nên chú trọng vào thị trường nội địa. Nếu cân bằng được cả xuất khẩu và nội địa sẽ mang lại giá trị mang tính bền vững cho sản phẩm cá tra trong tương lai.

Xuất khẩu vẫn gặp khó

Theo báo cáo từ Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 7 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu ngành thủy sản chỉ đạt 4,38 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 6.2020 giảm tới gần 35%; 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 660 triệu USD giảm gần 30% so với cùng kỳ 2019.

Tổng cục Thuỷ sản thông tin, năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến thả nuôi khoảng 6.600 ha cá tra, sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay xuất khẩu gặp khó, giá cá nguyên liệu luôn ở mức thấp khiến tình trạng thả nuôi giảm. Cụ thể, giá cá tra tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 7.2020 giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, từ 17.500-17.800 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (trọng lượng 700-900 gram/con). Lý giải nguyên nhân là do đầu ra gặp khó bởi tác động của dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, cùng với đó là sự cạnh tranh từ các quốc gia khác gần đây cũng tăng cường nuôi cá tra. Đặc biệt, hiện Trung Quốc cũng đẩy mạnh nuôi và chế biến cá tra để phục vụ tiêu thụ nội địa, nên chắc chắn sẽ giảm số lượng tiêu thụ, nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) Võ Đông Đức cho rằng, trong năm 2020 ngành thủy sản phải đối mặt với sự tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Đây được xem là hai tác động kép làm thiếu hụt nước ngọt để nuôi trồng cá tra khiến người dân bị động, không duy trì được sản lượng và thời gian nuôi. Yếu tố nữa tác động là do dịch diễn biến phức tạp làm cho giá cả liên tục giảm khiến người dân vô cùng khó khăn, nản lòng. “Doanh nghiệp hiện đang phải dừng hoặc lùi thời gian giao đơn hàng, bị hạn chế liên lạc được với đối tác, hoạt động cấm cảng ở một số nước như châu Âu… Hàng hóa tại các cảng bị ùn ứ, không thanh toán được dẫn đến ách tắc dòng vốn của doanh nghiệp”, ông Đức chia sẻ những khó khăn.

Chỉ rõ thêm những điểm khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan hiện vẫn còn những rào cản về kỹ thuật, chưa có sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến hay cụ thể hơn là sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau. Chính vì vậy, câu chuyện xuất khẩu cá tra đi ra biển lớn vừa qua đã gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là dịch cũng đã khiến xuất khẩu bị ngưng trệ. “Thời điểm này chúng ta cần đưa ra được những chiến lược dài hạn, vừa nhằm khôi phục những thị trường cũ và mở ra cơ hội mở rộng các thị trường mới”, ông Hoan nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn lạc quan, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, do tác động của dịch nên quý I và quý II.2020 xuất khẩu cá trá gặp nhiều khó khăn tại các thị trường. Nhưng từ quý III.2020, các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng rằng hoạt động giao thương sẽ ổn dần ở một số thị trường, trong đó có hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, với hiệp định EVFTA cũng sẽ góp phần giúp xuất khẩu cá tra sang thị trường EU cũng sẽ dần khởi sắc trong thời gian tới.

Thị trường cá tra cần cân bằng được xuất khẩu và nội địa  

Nguồn: ITN 

Phải bỏ tư duy chỉ “làm lớn”

Trước những thách thức mà thị trường xuất khẩu đang gặp phải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng nhấn mạnh, “nếu đưa thành công cá tra vào thị trường nội địa, chúng ta sẽ giảm được áp lực cho xuất khẩu”. Bộ trưởng cho rằng, nếu khai mở được thị trường trong nước sẽ có hai tác dụng. Thứ nhất, là giảm áp lực xuất khẩu và đương nhiên giá xuất khẩu sẽ tăng. Thứ hai, khai thác được thị trường gần 100 triệu dân đương nhiên nó sẽ mở rộng sản lượng, sẽ kích thích được sản xuất. Chung quy lại, nếu chiếm lĩnh được thị trường trong nước thì sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa tăng sản lượng, vừa tăng giá trị của con cá tra và một mục tiêu nữa là tạo ra thị trường tiêu thụ với sản phẩm đa dạng hơn để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nhiều hơn. Sự lựa chọn đa dạng đem đến giá cả phù hợp với túi tiền, cân đối được dinh dưỡng. 

Theo Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Chí Ngọc, trước đây, nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ cá tra làm ra chỉ để xuất khẩu, nhưng khi dịch diễn ra thì nhận thức của các doanh nghiệp đã dần thay đổi. Lúc này, mới thấy thị trường gần 100 triệu dân rất có ý nghĩa. Để có thể tiêu thụ sản phẩm cá tra trong thị trường nội địa một cách hiệu quả, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng điều quan trọng vẫn là thay đổi được thói quen và nhận thức của người dân. Khi khả năng xuất khẩu bị hạn chế bởi nhiều tác nhân thì việc đẩy mạnh thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường miền Bắc sẽ là hướng đi sáng suốt trong thời điểm này.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nên biết các sản phẩm cá tra khi xuất khẩu thì chỉ có phi lê mới chiểm tỷ trọng cao vì thói quen ăn uống của người nước ngoài. Nhưng ở thị trường trong nước, có thể đa dạng từ món ăn, cách chế biến từ con cá tra. Hiện, cơ chế chính sách của nhà nước đang rất mở, khó khăn duy nhất là nhận thức của các doanh nghiệp vẫn muốn “làm lớn” tức là xuất khẩu. Vì vậy, ngay lúc này doanh nghiệp cần bỏ đi tư duy này mà tập trung khai thác thị trường nội địa, chuyển hướng và trở mình sao cho phù hợp. Với hướng đi này nếu hiệu quả kỳ vọng số lượng tiêu thụ cá tra trong năm 2020 sẽ gia tăng.

“Thời điểm này hình ảnh con cá tra cần được quảng bá thông qua thị trường trong nước. Cảm xúc của người dân đối với con cá tra hiện có rất nhiều vấn đề bởi từ trước tới giờ người dân không có thói quen ăn cá nhiều mà thay vào đó là các món chế biến từ thịt lợn, thịt gà… do đó sản phẩm từ cá tra chưa được chú trọng. Bây giờ, là cơ hội để thay đổi, đến lúc phải cân bằng lại thị trường xuất khẩu và nội địa, mặc dù điều đó tương đối khó”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định.

Hạnh Nhung