Xuất khẩu rau quả tăng ở mọi thị trường

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 05:26 - Chia sẻ
Nửa đầu năm nay xuất khẩu rau quả tăng trưởng ở tất cả thị trường và mang về hơn 2 tỷ USD. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau quả đang đứng trước nhiều cơ hội, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD là trong tầm tay.

Thanh long mang về 600 - 700 triệu USD  

Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong tháng 6.2021, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả nước ta đạt trên 356 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Loại trái cây xuất khẩu chủ yếu vẫn là thanh long với kim ngạch 600 - 700 triệu USD.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay tăng trưởng đáng kể ở tất cả các thị trường, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Xuất khẩu rau quả sang quốc gia này tăng 116% so với cùng kỳ năm trước. Về tỷ trọng, Trung Quốc đóng góp gần 62% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Những loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang đây gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, măng cụt, chôm chôm. Trong đó xuất khẩu thanh long tăng 138%, dưa hấu tăng gần 132%, vải thiều tăng 44%. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với mức tăng trưởng 132%. Ngoài ra một số đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga… cũng tăng cường nhập rau quả từ Việt Nam.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức nhập khẩu từ các thị trường tăng mạnh do sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, công ty Chánh Thu chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ thì hiện nay đã có nhiều đơn hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và cả Thái Lan với sản phẩm chính là sầu riêng cấp đông. Bà Vy cho rằng, nhìn chung, nhu cầu thế giới đối với mặt hàng sầu riêng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cung chưa đủ cầu. Chính vì vậy, dù nhập cuộc chậm hơn các nước có truyền thống về sầu riêng như Malaysia, Thái Lan nhưng sản phẩm của Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tạo dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.

Nguồn: ITN

Mục tiêu 4 tỷ USD trong tầm tay

Trong nửa cuối năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả được dự báo tiếp tục có nhiều điểm sáng. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, không chỉ với Việt Nam mà với toàn thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Mỗi năm quốc gia này nhập khẩu trên 10 tỷ USD các mặt hàng rau quả từ nhiều thị trường khác nhau. Khu vực Đông Nam Á cũng xuất khẩu 70% rau quả sang thị trường Trung Quốc. Những tháng cuối năm, đặc biệt tháng 11 - 12 là mùa lạnh ở Trung Quốc nên sản phẩm nội địa ít hơn, không đa dạng vì vậy quốc gia này phải tăng nhập khẩu rau quả.

"Đây là cơ hội để chúng ta tăng kim ngạch xuất khẩu. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, đến cuối năm, mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 4 tỷ USD hoàn toàn trong tầm tay", ông Nguyên nhận định. Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu mua, vận chuyển, tiêu thụ… Thêm vào đó, những tỉnh thuộc Trung Quốc có đường biên giới giáp với Việt Nam cũng đang siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Vì vậy, các thủ tục khi xuất hàng qua biên giới cũng tốn nhiều chi phí và thời gian hơn.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm phát sinh nhiều rào cản trong vận chuyển hàng hóa. Bà Ngô Tường Vy cho biết, chi phí logistics tăng là một điểm nghẽn với các doanh nghiệp xuất khẩu mà chưa thể tháo gỡ trong ngày một ngày hai. Khi chưa có dịch, một chuyến tàu đi từ Việt Nam sang Los Angles (Mỹ) chi phí 90 - 110 triệu đồng nhưng đến cuối năm 2020 đã tăng lên 140 - 160 triệu đồng và gần đây là 200 - 230 triệu đồng. Quan trọng hơn, dịch bệnh khiến người tiêu dùng thế giới quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, dẫn tới việc các thị trường dần tăng tiêu chuẩn về chất lượng rau quả.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các thị trường dường như không còn “dễ tính” như trước. Hiệp hội khuyến nghị các đơn vị xuất khẩu và cơ sở sản xuất, chế biến rau quả phải tăng cường kiểm tra chất lượng, bảo đảm tính an toàn cho sản phẩm, giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cần hình thành những vùng chuyên canh, trồng tập trung hay còn gọi là những “cánh đồng mẫu lớn” vì nếu canh tác trên diện tích rộng sẽ rất thuận lợi trong việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại và bảo đảm chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường lớn trên thế giới.

Minh Trang