Xuất khẩu gạo có thể phục hồi vào cuối tháng 11

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:16 - Chia sẻ
Thị trường xuất khẩu gạo được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối tháng 11 tới. Hiện tại, do mới hoạt động trở lại, các doanh nghiệp cần thêm thời gian để khôi phục công suất, tuyển dụng lao động, thăm dò nhu cầu thị trường…

Thị trường sôi động trở lại

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), xuất khẩu gạo liên tiếp tăng từ tháng 7 đến tháng 9. Trong đó, tháng 9 đạt hơn 593 nghìn tấn, tương đương 293 triệu USD, tăng 19% về lượng, tăng 20,5% về kim ngạch so với tháng 8.2021.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt 4,57 triệu tấn, tương đương 2,42 tỷ USD, vẫn sụt giảm 8,3% về khối lượng và 1,2% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam với 1,83 triệu tấn, tương đương gần 935 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, tăng 11% về kim ngạch. Tiếp đó là thị trường Trung Quốc với 845,5 nghìn tấn, tương đương 423,9 triệu USD; chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Xuất khẩu gạo sang quốc gia này đã tăng rất mạnh, 46,7% về lượng, 25,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, trong tháng 7 và tháng 8, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó do việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương bị hạn chế nhưng kim ngạch xuất khẩu của tháng sau vẫn tăng so với tháng trước. Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn để xuất khẩu gạo giữ vững vị thế là ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Cũng theo ông Đôn, hiện nay, quá trình vận chuyển từ cánh đồng tới nhà máy và từ nhà máy tới cảng đã dễ dàng và thuận lợi hơn. Do vậy, thị trường đã bắt đầu khởi động trở lại, giao thương quốc tế không còn tắc nghẽn và thiếu container rỗng nghiêm trọng như trước đây. Thêm một tín hiệu đáng mừng khác là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trở lại do Nhà nước tăng mua bù gạo dự trữ, đồng thời nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới tăng từ đầu tháng 9 đến nay. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh với nước ta là Ấn Độ lại giảm nguồn cung do những điều kiện không thuận lợi từ thời tiết. Cụ thể, giá gạo thơm dao động trong khoảng 510 - 515 USD/tấn, gạo OM 480 - 490 USD/tấn, tương đương với giá gạo của Thái Lan và cao hơn khoảng 20 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.

Nguồn: ITN

Thời điểm để tăng tốc

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An cho rằng, hoạt động thương mại gạo trên thế giới đang dần nối lại sau những đứt gãy từ trước đó, vì vậy xuất khẩu gạo sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn. Nhiều khó khăn đã được tháo gỡ nên các doanh nghiệp vẫn luôn tin tưởng vào những tín hiệu tích cực và đang đẩy mạnh thu mua lúa để hoàn tất hợp đồng từ nay đến cuối năm. Bên cạnh những hợp đồng mới thì vẫn còn một số đơn hàng tồn kho từ tháng 7 và tháng 8 do vận chuyển bị hạn chế, vì vậy đây là thời điểm để doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng tốc sản xuất ở mức tối đa.

Tuy vậy, do mới quay lại sản xuất nên các doanh nghiệp phải có thêm một khoảng thời gian để khôi phục 100% công suất, tuyển dụng thêm và kêu gọi lao động trở lại làm việc, thăm dò tìm hiểu nhu cầu thị trường… Do đó, có thể phải chờ tới cuối tháng 11 thị trường xuất khẩu gạo mới phục hồi hoàn toàn.

Bà Liên cho biết thêm, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành gạo đã khả quan hơn nhưng để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2021 đạt 6,3 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD thì vẫn còn một số khó khăn cần vượt qua. Trước hết, gạo dự trữ tại kho không còn nhiều. Một số doanh nghiệp trong tháng 8, 9 bị nghẽn đường xuất khẩu, không có vốn thu mua lúa dẫn đến tình trạng đơn hàng nhiều nhưng thiếu hàng xuất khẩu. Cước tàu biển quốc tế luôn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo bà Liên, thị trường lúa gạo của thế giới, nhất là những nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Độ, Thái Lan… giá gạo giảm trong khi đó giá gạo của Việt Nam tăng mạnh có thể khiến một số đối tác chuyển hướng sang mua những mặt hàng rẻ hơn. Ngoài ra, thời gian qua Chính phủ cũng chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp vay thêm vốn để thu mua lúa nhưng hiện nay đã qua mùa thu hoạch nên chính sách hỗ trợ này không còn phát huy được hiệu quả.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ hơn để sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Đôn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay thêm vốn để thu mua dự trữ lúa gạo, giảm lãi suất cho vay và kéo dài thời hạn cho vay để doanh nghiệp có đủ thời gian quay vòng vốn hoàn nợ sau thời gian dài gặp khó khăn vì dịch bệnh.

 

Minh Trang