Xu thế và động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn

- Thứ Năm, 08/10/2020, 06:21 - Chia sẻ
Đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu vừa thăm và làm việc tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam trước thềm Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, trao đổi thẳng thắn trên nền tảng khoa học và thực tiễn với các giảng viên, chuyên gia chính sách công của Trường Đại học Fulbright về xu thế, động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của đất nước.

Sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội đã nghe TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, giới thiệu về xu thế và động lực tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Khi đặt vấn đề làm thế nào để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7% trong 10 năm tới trước nhiều thách thức như quá trình già hóa dân số, năng suất lao động thấp, nguồn vốn đầu tư FDI giảm dần trong xu thế chung của toàn cầu, tác giả cho biết tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cần phải duy trì ở mức 4%. Đây là một chỉ tiêu rất khó đạt được khi hiện nay chúng ta mới đạt khoảng 3 - 3,5%. Tốc độ tăng TFP có thể phản ánh mức độ đổi mới quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong quản lý, hoặc cũng có thể phản ánh gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế. Ở cấp độ nền kinh tế, TFP được đánh giá dựa trên hai chỉ số chính là tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc làm việc với Đại học Fulbright Việt Nam

Giảng viên Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, TFP là một trong số tiêu chí mà tới đây có thể trở thành chỉ tiêu pháp lệnh bên cạnh các chỉ tiêu như thu nhập quốc dân (Gross National Income - GNI), tỷ lệ giá trị gia tăng, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, trình độ sáng tạo, lao động kỹ năng, liên kết cụm ngành…

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất các nhân tố tổng hợp là kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định và lao động hoặc các nhân tố hữu hình, nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân… Trong khi tốc độ tăng trưởng do vốn và lao động là có hạn, thì TFP có thể là yếu tố không bị giới hạn thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, ngoài việc phải tính toán năng suất của từng yếu tố nguồn lực thì chúng ta còn phải tính toán hiệu quả của việc kết hợp các yếu tố nguồn lực, gọi chung là các nhân tố tổng hợp đến tăng năng suất nên có nhiều cách tiếp cận, tính toán khác nhau và cho các kết quả rất khác nhau. 

Các thành viên Đoàn công tác đồng tình với phân tích của các chuyên gia Trường Đại học Fulbright khi cho rằng, nền kinh tế nước ta đã chuyển từ nền kinh tế dựa vào yếu tố đầu vào chi phí thấp sang nền kinh tế dựa vào đầu tư với năng suất đóng vai trò quan trọng dựa trên các trụ cột là phát triển khu vực tư nhân nội địa để kết nối với các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu, lấy tăng cường cạnh tranh nội địa làm động lực phát triển, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường chất lượng giáo dục - đào tạo, cải tiến công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Tuy nhiên, có lẽ thực trạng của các trụ cột còn ở xa mức mà chúng ta mong muốn. Theo ThS. Nguyễn Xuân Thành, tuy công nghiệp chế biến, chế tạo đang là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng chủ yếu mới do doanh nghiệp FDI dẫn dắt và chỉ có một số doanh nghiệp vừa và lớn của nội địa tham gia. Đầu tư cơ sở hạ tầng không bắt kịp và không tương ứng với đà tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội bố trí đủ vốn, nên nguy cơ tắc nghẽn các hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, đô thị… đã trở thành hiện thực, “tắc cả dưới đất lẫn trên trời” cho dù đại dịch Covid-19 đã làm giảm bớt lưu lượng phương tiện, khối lượng vận tải và tiêu dùng điện năng.

Ông Thành cho rằng, chúng ta đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới, nhưng mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các FTA đã chỉ ra rằng, những cơ hội từ FTA vẫn chưa được khai thác hiệu quả như kỳ vọng khi tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết sâu về các FTA rất thấp, nhất là với FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) chỉ 1%, cao nhất là với AEC cũng chỉ là 3%. Còn chất lượng giáo dục và đào tạo thì vẫn đang là dấu hỏi lớn trong bối cảnh yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với các chuyên gia, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế

Một số khuyến nghị của các chuyên gia Trường Đại học Fulbright về những giải pháp phát triển trong 5 - 10 năm tới được các thành viên Đoàn công tác quan tâm. Đó là, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, làm thế nào để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, hạn chế độc quyền, khuyến khích cạnh tranh; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để hình thành năng lực học tập và chuyển dịch mạnh lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Theo PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, bài học thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của nước ta đã chứng tỏ quá trình hiện đại hóa thể chế dần đi vào hiện thực thể hiện qua năng lực phản ứng chính sách nhanh nhạy của Nhà nước, năng lực và tính minh bạch trong thực thi chính sách ở các cấp, sự đồng thuận và ủng hộ cao của xã hội và phương pháp truyền thông hiện đại.

Cuộc trao đổi thẳng thắn như một buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt trên nền tảng khoa học và thực tiễn giữa các thành viên Đoàn công tác và các giảng viên, chuyên gia về chính sách công của Trường Đại học Fulbright với những phân tích, trăn trở, hiến kế cho sự phát triển của đất nước. Những nhìn nhận, đánh giá của các giảng viên cao cấp của Trường Đại học Fulbright cũng là những nội dung đã được thể hiện trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng[1] nhưng ở cấp độ cao hơn. Đảng ta đã đặt ra yêu cầu không chỉ hoàn thiện mà phải hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thống nhất và nâng cao nhận thức, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế với tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao trên nền các thành quả cơ bản của giai đoạn 2016 - 2020 như tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn theo hướng bền vữngbao trùm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được bảo đảm ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố; niềm tin của người dân, doanh nghiệp và thị trường cũng từng bước được củng cố, trong đó có sự đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ và thúc đẩy tích cực của Quốc hội.

_______________

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương. Những nội dung cốt lõi trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. NXB CTQG Sự thật. Hà Nội - 2020.

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII