Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

Xử nhẹ, vi phạm tái diễn

- Thứ Tư, 17/03/2021, 15:57 - Chia sẻ
Hơn 500 nghìn tỷ đồng tiền xử phạt nộp về kho bạc nhà nước sau 166.400 đợt kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa kể từ khi Nghị định số 132/2015/NĐ-CP được ban hành là một con số đáng để suy ngẫm. Nhưng con số trên chưa phản ánh hết thực trạng giao thông thủy nội địa vẫn còn có chỗ hỗn loạn “tự phát, tự do, tự xem thường an toàn” khiến nhiều vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
(Nguồn: baochinhphu.vn)

Trật tự an toàn giao thông thủy nội địa vẫn xem là khâu yếu. Yếu về đầu tư cơ sở hạ tầng nạo vét luồng lạch, bến bãi, biển chỉ dẫn, cấp phép, kiểm tra chất lượng, số lượng phương tiện lưu hành và giấy phép điều khiển phương tiện. Trong khi, nhận thức của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện còn hạn chế, đơn giản như chỉ cần đầy đủ giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng, đăng ký phương tiện là đủ điều kiện hoạt động còn các điều kiện bảo đảm an toàn bị xem nhẹ, hình thức.

Mặc dù các cơ quan hữu quan đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc việc vi phạm nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông thủy, tuy nhiên theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hoá, nông sản, làm chết nhiều người. Mới nhất, ngày 25.2.2020 trên tuyến sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ lật thuyền gia dụng làm 6 người chết (trong đó có 4 người lớn và 2 trẻ em). Hay ngày 15.2.2020, trên sông La Ma thuộc địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người là 6 cặp vợ chồng đi khai thác keo tràm, hậu quả làm 3 người chết…

Phải chăng tai nạn giao thông thủy nội địa xảy ra chủ yếu do người điều khiển phương tiện chủ quan không biết hay không cần biết các quy định an toàn giao thông; công tác giáo dục quy định pháp luật còn xem nhẹ, không hiệu quả; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ hạn chế nhiều mặt.   Hay tai nạn còn do chính phương tiện giao thông tự chế không đảm bảo; người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông mà vẫn đưa vào hoạt động; trong khi phương tiện gia dụng thường không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định của Luật Đường thuỷ nội địa. Bên cạnh đó, người dân chưa có ý thức tự bảo vệ đảm bảo về an toàn khi tham gia giao thông thuỷ nội địa; không chú ý đến việc dụng cụ cứu sinh.

Thực trạng này tồn tại dai dẳng và một trong những nguyên nhân là việc xử phạt nhiều nhưng còn quá nhẹ, không đủ răn đe. Vì vậy,  Bộ Giao thông, Vận tải đề xuất sửa Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa; xây dựng hành lang pháp lý cụ thể hơn, mạnh hơn bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn giao thông; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức triển khai và xử lý vi phạm; tăng cường trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Rõ ràng quy định mới phải mạnh mẽ hơn; đánh mạnh vào trách nhiệm kinh tế để giáo dục, ngăn chặn, giải quyết những vấn đề tồn tại như: Mức phạt quá nhẹ không đủ ngăn chặn tái diễn; quy định phải cụ thể, rõ ràng để xử lý nhanh gọn những trường hợp cụ thể về trọng tải, chất lượng phương tiện lưu hành; về tiêu chuẩn vận tải, an toàn; về người điều khiển phương tiện; đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của chủ phương tiện. Bên cạnh đó là tuyên truyền, giáo dục và kiểm tra, nhận thức của người điều khiển phương tiện chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Mặt khác, cần tuyên truyền thường xuyên bằng các hình thức truyền thông đại chúng, tờ rơi, vé phí, nội quy… về an toàn giao thông thủy nội địa tại mỗi bến bãi, phương tiện nhằm tác động sâu sắc, cụ thể đến người tham gia giao thông thủy.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Không để tai nạn xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm, mới xem xét, đối chiếu tìm sơ hở trong quy định và thực hiện.

Thanh Hà