Xử nghiêm nhưng phải phát hiện sớm

- Thứ Sáu, 07/05/2021, 20:14 - Chia sẻ
Chưa bao giờ vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế lại đặt ra cấp bách như bây giờ. Đặc biệt là những quy định xử phạt vi phạm về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; về giám sát bệnh truyền nhiễm; về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế; về áp dụng biện pháp chống dịch; về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế…
Mọi người đến các cơ sở y tế đều phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Mọi người đến các cơ sở y tế đều phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh nguồn: nhandan.com.vn)

Phòng và chống đại dịch Covid- 19 nhắc nhở chúng ta trách nhiệm cộng đồng tự giác, tự nguyện rất cao vì sức khỏe, sinh mạng và cả triển vọng sáng sủa trở lại đời sống sản xuất bình thường. Tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn y tế phòng dịch của Bộ Y tế là mệnh lệnh, là tiêu chuẩn cao nhất lúc này. Sự chung tay hành động của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền, đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, các ngành các cấp... kịp thời, thần tốc, trách nhiệm, chuyên nghiệp đã góp phần ngăn chặn đại dịch lan rộng. Nhưng để chống dịch hiệu quả, người dân cần nhân thức đầy đủ sự nguy hiểm đang rình rập không chỉ cá nhân mình, gia đình mình mà còn đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm… và thậm chí là cơ hội phát triển của cá nhân, doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Hiểu và chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch là ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng, là mệnh lệnh, lẽ sống trong tình trạng “bình thường mới” mà không được một phút chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, việc phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này có vai trò rất quan trọng. Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4.9.2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định bao hàm lĩnh vực rộng trong đó có các quy định cụ thể liên quan đến phòng chống dịch là hết sức cần thiết và cấp bách.

Việc quy định cụ thể những hành vi vi phạm; thẩm quyền xử phạt; hình thức xử phạt… góp phần tháo gỡ vướng mắc, đưa các quy định vào thực tiễn cuộc sống, lập lại trật tự trong lĩnh vực nghiệm ngặt này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không thể mãi bị động chạy theo xử lý khi các vi phạm trong lĩnh vực này chậm trễ sẽ gây hậu quả kinh tế, xã hội, sức khỏe sinh mạng cho cộng đồng rất lớn. Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, ngay trong phiên họp Chính phủ mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”. 

Như vậy sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế không còn khả thi trong thời điểm này là cần thiết nhưng việc cần thiết hơn là ngay trên cơ sở quy định hiện hành và quy định sẽ sửa đổi phải chủ động tấn công phát hiện vi phạm, xử lý ngăn ngừa sớm nhất có thể. Các vi phạm trong lĩnh vực phòng chống dịch không phát hiện sớm sẽ dẫn đến những tác động “dây chuyền” và thất bại nặng nề. Nếu vẫn vận hành bộ máy thanh tra, kiểm tra lỏng lẻo, mỏng manh và trì trệ sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tính mạng cộng đồng, cho đời sống kinh tế- xã hội và có thể trở thành thảm họa nếu chúng ta làm không tốt công tác phòng chống dịch.

Phát hiện sớm và xử lý nghiêm, xử lý thực chất, không hình thức hay xử lý cho có để làm gương là mệnh lệnh thực thi trong tình hình mới. Các vi phạm cấu thành tội phạm hình sự phải bị truy tố kịp thời. Điều quan trọng lúc này là củng cố tổ chức và cơ chế vận hành của cá nhân, cơ quan được giao quyền hạn xử phạt và cũng chính là cơ quan giúp phát hiện, ngăn chặn dịch lây lan ngay từ ban đầu. Vì vậy, cần tăng cường, siết chặt đội ngũ, nâng cao trách nhiệm cá nhân, tập thể và trình độ nghiệp vụ; đồng thời tăng cường thiết bị, kinh phí và đặc biệt tạo cơ chế giám sát thường xuyên, sâu sát, không lơi lỏng, chủ quan.

Thanh Hà